Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện chậm triển khai bệnh án điện tử, lãnh đạo sẽ bị kiểm điểm

Trước bối cảnh gần 70% bệnh viện ở TP.HCM chưa triển khai bệnh án điện tử, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định nếu không hoàn thành trong tháng 9, các giám đốc bệnh viện sẽ bị kiểm điểm.

Quầy đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại Hội nghị đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế thành phố ngày 10/4, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM yêu cầu 100% bệnh viện công lập trên địa bàn phải hoàn tất triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu trong 9 năm nay, theo chủ trương Thủ tướng Chính phủ.

Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách, then chốt trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện của ngành, hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh, hiện đại và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

35 bệnh viện chưa triển khai bệnh án điện tử

Tại hội nghị, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trong số 51 bệnh viện công lập của thành phố, mới chỉ có 9 bệnh viện đã được thẩm định và công bố triển khai bệnh án điện tử. Ngoài ra, có 7 bệnh viện đã đủ điều kiện triển khai nhưng chưa thực hiện hồ sơ thẩm định.

Đáng lo ngại, còn tới 35 bệnh viện (chiếm gần 70%) vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để triển khai bệnh án điện tử.

Trước thực trạng này, PGS Thượng đã chỉ đạo các giám đốc bệnh viện phải nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đòi hỏi sự tập trung cao độ và huy động mọi nguồn lực để hoàn thành đúng thời hạn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Nếu sau tháng 9, bệnh viện nào chưa có bệnh án điện tử, lãnh đạo bệnh viện phải làm kiểm điểm”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Việc triển khai đồng bộ bệnh án điện tử được xem là nền tảng vững chắc để xây dựng dữ liệu ngành y tế, với hai trụ cột chính là dữ liệu sức khỏe người dân và dữ liệu bệnh án điện tử.

benh an dien tu anh 1

Người dân đăng ký khám tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ được theo dõi qua bệnh án điện tử. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Khi tất cả bệnh viện đều sử dụng bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu, ngành y tế thành phố sẽ có một hệ thống thông tin y tế thống nhất, giúp theo dõi sức khỏe người dân một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả điều trị và quản lý dịch bệnh. Mục tiêu đến năm 2030, 95% người dân TP.HCM sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Để hỗ trợ các bệnh viện trong quá trình chuyển đổi số, UBND TP.HCM đã phê duyệt gói đầu tư ngân sách với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng cho bệnh viện hạng hai và 40 tỷ đồng cho bệnh viện hạng một để củng cố hạ tầng công nghệ thông tin và đảm bảo an ninh mạng.

Hướng đến bệnh viện không giấy tờ

Trong buổi lễ, PGS.TS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công mô hình bệnh án điện tử toàn diện. Một nền tảng số hóa đồng bộ trong quản lý và chăm sóc người bệnh.

Mô hình này bao gồm đăng ký khám bệnh không giấy, kê đơn điện tử, quản lý dữ liệu bệnh nhân liên thông với bảo hiểm và các cơ sở y tế tuyến dưới, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay thế phim X-quang truyền thống, chữ ký số trong các quy trình khám chữa bệnh, sổ sức khỏe điện tử/thẻ khám bệnh thông minh và thanh toán viện phí điện tử.

"Bệnh án điện tử hướng đến một bệnh viện không giấy tờ, tối ưu hóa quy trình chuyên môn, hỗ trợ quản trị bệnh viện. Từ đó, giảm tải cho nhân viên y tế và nâng cao chất lượng phục vụ người dân", bác sĩ Định nói.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành y tế. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc rà soát, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, chuẩn bị đầu tư nhân lực công nghệ thông tin. Từ đó, nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử đồng bộ và liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị bệnh viện, và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển chuyên môn.

Theo ông Lộc, năm 2024, chỉ số thành phố đáng sống của TP.HCM tăng 6 bậc, dựa trên chỉ số của giáo dục đào tạo và y tế. Như vậy, ngành y tế nếu quan tâm chuyển đổi số thì chỉ số đáng sống sẽ tăng lên.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định sẽ xem việc triển khai bệnh án điện tử đúng thời hạn là một trong những chỉ số đầu ra quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của người đứng đầu các bệnh viện trong năm 2025, thể hiện quyết tâm cao độ trong việc hiện đại hóa ngành y tế thành phố.

Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.

Người đàn ông gục ngã, hôn mê sau giải chạy marathon 42 km

Người đàn ông 32 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, phải thở máy sau khi hoàn tất cuộc thi chạy bộ ở cự ly 42 km.

Năm không khi ăn ổi

Bạn không nên ăn ổi khi đói, không ăn nhiều hạt… để tránh các hậu quả tiêu cực tới sức khỏe.

4 thực phẩm là 'hung thần' bức tử gan

Theo các bác sĩ chuyên khoa gan trên kênh Bác sĩ Gia đình, duy trì chức năng gan cũng như duy trì sự sống, bạn cần ăn ít hơn 4 loại thực phẩm và làm tốt 2 việc.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm