Các bác sĩ phải dùng hai stent chồng nhau để “gia cố” tổn thương dài đến 80 mm.
Tổn thương mạch máu trên sàn tập
Trên sàn tập môn võ Kun Khmer tại Campuchia, anh A.M (34 tuổi, quốc tịch Anh) bỗng cảm thấy rất mệt mỏi, choáng váng, mắt nhòa đi và cảm giác 2 mắt không đồng đều. Vào bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ Campuchia chẩn đoán anh mắc hội chứng Horner do tổn thương bóc tách mạch máu.
Chụp MRI sọ não, các bác sĩ phát hiện tổn thương bóc tách dài 80 mm từ gốc động mạch cảnh trong tới tận nền sọ. Do không có kinh nghiệm điều trị trường hợp này, sau 4 ngày, các bác sĩ Campuchia đề nghị chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện FV - nơi có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức giải thích tình trạng của bệnh nhân. |
Khám cho anh A.M, bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp nội mạch thần kinh - nhận định bệnh nhân bị bóc tách động mạch cảnh. Đây là hiện tượng các lớp của thành động mạch cảnh bị tách ra, giống như vết rách trong ống dẫn nước. Máu rò rỉ vào lớp giữa thành mạch, tạo nên các cục máu đông. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tắc nghẽn mạch máu, khiến não thiếu máu và dẫn đến đột quỵ hoặc cục máu đông trôi ra xa.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu và choáng váng, nhưng không bị yếu liệt. Chúng tôi kê thuốc chống đông để ngăn ngừa máu đông và dự tính nếu tình trạng bệnh trở nặng sẽ tiến hành các biện pháp can thiệp khác. Tuy nhiên, bệnh nhân rất lo lắng về sức khỏe nên mong muốn thực hiện thủ thuật đặt stent để giải quyết dứt điểm nguy cơ tái phát”, bác sĩ Nguyễn Minh Đức kể lại.
Dùng 2 stent “vá” động mạch cảnh bị rách
Trước khi tiến hành thủ thuật, anh A.M được bác sĩ trao đổi kỹ về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị. Do vết bóc tách động mạch dài đến 80 mm, nên phải sử dụng hai stent phủ lên nhau để đảm bảo thông thoáng mạch máu.
Trang thiết bị hiện đại tại phòng Cathlab hỗ trợ các bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp chính xác. |
Thủ thuật do bác sĩ Đức và ê kíp thực hiện diễn ra suôn sẻ trong vòng 3 giờ tại phòng Cathlab, dưới sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) tích hợp đa nhiệm - có thể chụp mạch máu tim, mạch máu não và mạch máu toàn thân. Từ vết rạch ở đùi, bác sĩ đưa ống thông có gắn stent luồn vào động mạch lên đến vị trí động mạch bị rách. Stent được đặt vào vị trí vết rách để “hàn” lại vùng động mạch cảnh, nhờ đó máu có thể lưu thông bình thường trở lại.
Hình ảnh mạch máu của bệnh nhân sau khi được đặt stent. |
Bệnh nhân được chuyển về khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp để tiếp tục theo dõi. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu trong thời gian dài để ngăn ngừa hình thành cục máu đông tại vị trí stent.
Nhờ sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng sau ca phẫu thuật, 8 ngày sau được xuất viện. Dù đã bình phục, bác sĩ vẫn cảnh báo anh A.M không thể quay lại thi đấu vì nguy cơ tái tổn thương stent.
“Tôi đã thi đấu hơn 20 năm, đây cũng là lúc để nghỉ ngơi và chuyển sang làm huấn luyện viên. Cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi”, A.M cảm kích.
TS.BS Hồ Minh Tuấn kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi xuất viện. |
Nguy cơ đột quỵ do chấn thương thể thao vùng cổ
Gần đây, không chỉ vận động viên mà những người vận động, rèn luyện sức khỏe cũng có thể gặp chấn thương thể thao. Đối với vận động viên, đặc biệt người tham gia các môn thể thao đối kháng, việc chấn thương vùng cổ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu máu lên não hay đột quỵ.
Bác sĩ Đức khuyến cáo người chơi các môn thể thao đối kháng cần lưu ý chấn thương vùng cổ. Các cú va chạm mạnh có thể gây ra tình trạng bóc tách động mạch, dẫn đến thiếu máu lên não hoặc thậm chí ngừng tim đột ngột do chèn ép dây xoang cảnh.
Chấn thương thể thao vùng cổ là một trong những nguyên nhân gây bóc tách động mạch cảnh. |
TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp - cho biết nguyên nhân gây bóc tách động mạch cảnh thường liên quan đến hai yếu tố chính: Chấn thương và yếu tố di truyền bệnh mạch máu.
“Những chấn thương lặp đi lặp lại, dù nhẹ, cũng có thể làm tổn thương thành mạch máu, tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Ngoài ra, người có sẵn bệnh lý về mạch máu như xơ vữa động mạch hoặc rối loạn mô liên kết di truyền, hội chứng Marfan cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này”, bác sĩ Tuấn phân tích.
Bóc tách động mạch cảnh thường xảy ra ở người dưới 50 tuổi. Trong nhóm này, nguyên nhân từ bóc tách động mạch cảnh lên đến 30-40%. Điều này cho thấy bóc tách động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ.
Độc giả liên hệ khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp Nội mạch Thần kinh theo số điện thoại 02854113333. Bệnh viện FV trợ giá đến 20% cho bệnh nhân không có bảo hiểm sức khỏe, cho trả góp viện phí từ tháng 12/2024.