Chia sẻ với Zing về tình hình điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết số trẻ nhập viện đang có xu hướng tăng mạnh.
Hiện tại, khoa Nhiễm - Thần kinh điều trị trung bình 30 trẻ mắc tay chân miệng. So với tháng trước, số ca bệnh có tăng rất nhanh. Một số trường hợp trẻ chuyển biến nặng. May mắn, bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thời điểm dịch tay chân miệng bùng phát mạnh. Ảnh: Liêu Lãm. |
Cạn nguồn thuốc
Tuy nhiên, vấn đề khiến bác sĩ Khanh lo lắng chính là nguồn thuốc Phenobarbital - "vũ khí" giúp bác sĩ điều trị co giật đang cạn nguồn cung cấp.
Trong khi đó, lượng thuốc Phenobarbital dự trữ tại đơn vị này đã hết hạn sử dụng từ hôm 27/9. Đây là thuốc chống co giật chuyên điều trị cho trẻ bị tay chân miệng nặng. Hiện tại, đơn vị này không còn thuốc Phenobarbital để điều trị.
Bác sĩ Khanh cho biết Phenobarbital là thuốc dùng để tiêm đường tĩnh mạch, giúp chống lại chứng co giật ở trẻ mắc tay chân miệng. Thuốc này nằm trong phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế.
Khi trẻ mắc tay chân miệng diễn biến nặng, Phenobarbital dùng để xử lý tình trạng co giật. Tuy nhiên, đến nay, ông chưa rõ lý do khiến thuốc này không có nguồn cung ứng.
"Với tình trạng thiếu thuốc chống co giật như hiện tại, dự kiến, nếu số ca tay chân miệng tiếp tục tăng cao, việc điều trị rất khó khăn. Bệnh viện phải áp dụng các biện pháp chống co giật thay thế như dùng thuốc an thần khác hay cho trẻ thở máy. Điều này dẫn đến chi phí điều trị tốn kém hơn. Nhiều trẻ thở máy cũng khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải", bác sĩ Khanh nói.
Thuốc Phenobarbital. |
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ cho biết thuốc Phenobarbital có nguy cơ cạn kiệt.
"Chưa rõ nguyên nhân khiến thuốc Phenobarbital không được nhập thêm. Không chỉ riêng 3 bệnh viện nhi lớn tại TP.HCM, hầu hết cơ sở y tế cả nước đều trong tình trạng thiếu hụt thuốc Phenobarbital", một bác sĩ chia sẻ.
Theo Sức khỏe và Đời sống, Phenobarbital thuộc nhóm các barbiturat, có tác dụng chống co giật và an thần, gây ngủ. Thuốc này được chỉ định trong các trường hợp động kinh cơn lớn, động kinh giật cơ, động kinh cục bộ (trừ động kinh cơn nhỏ). Thuốc cũng được dùng để phòng co giật do sốt cao tái phát ở trẻ nhỏ.
Tác dụng không mong muốn của thuốc bao gồm ngủ gà, rối loạn chức năng nhận thức, kích động ở trẻ em, còi xương và nhuyễn xương (do thoái dáng vitamin D), nhiễm độc da.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết chu kỳ của bệnh tay chân miệng thường rơi vào các tháng 4,5,6 và 10,11,12. Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát cùng với thời gian giãn cách xã hội, trẻ nhỏ được bảo vệ tốt hơn.
Khi bắt đầu cuộc sống bình thường mới, giao thông được nối lại, vào mùa tựu trường, du lịch..., tay chân miệng có xu hướng quay trở lại. Đặc biệt, nó rơi vào đúng chu kỳ hàng năm của bệnh.
Số trẻ mắc tay chân miệng đang tăng nhanh. Ảnh: Liêu Lãm. |
Một tuần có 640 ca bệnh
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, thành phố ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng. Tính riêng trong tuần 39, 640 ca được ghi nhận, tăng 85 ca so với tuần trước đó. Đây là số liệu ca bệnh cao nhất từ đầu năm đến nay.
Số ca tay chân trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện ở mức độ cảnh báo.
"Đây là số liệu đáng báo động. Chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng", HCDC cảnh báo.
HCDC cho biết tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa.
Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ nốt bỏng, phân, chất nôn của người bệnh. Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao liên tục không hạ, giật mình khi ngủ, run, nôn liên tục, lừ đừ, co giật..., trẻ cần được đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Đồng thời, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan.