Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), ca bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi... 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm là thời điểm dịch bệnh bắt đầu vào mùa, bệnh nhân có xu hướng tăng trở lại.
Mùa dịch bệnh quay lại
ThS.BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, cho biết trong 6 tháng đầu năm, số ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hàng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì hai bệnh này đều tăng.
Trong đó, sốt xuất huyết tăng 59 trường hợp. Tay chân miệng tăng 50 trường hợp so với tuần trước. "So với tuần đầu của tháng 7/2019, số ca bệnh của năm nay vẫn thấp hơn năm ngoái, nhưng với sự biến động bệnh nhân này, dự đoán mùa cao điểm của sốt xuất huyết và tay chân miệng đã quay lại", bác sĩ Nga nói.
Ngành y tế TP.HCM nhận định thành phố đang bước vào mùa dịch bệnh hàng năm. Ảnh: Liêu Lãm. |
Các phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy trong tuần cuối tháng 6, số phường, xã có ca bệnh sốt xuất huyết là 114. Tuần đầu tháng 7, con số này là 144, tăng thêm 30 phường, xã. Trung bình, mỗi phường, xã có hai bệnh nhân.
"So sánh với diễn tiến nhiều năm liền, sự gia tăng số lượng bệnh nhân trong tuần đầu tháng 7 tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới. Đỉnh dịch có thể đạt vào khoảng tháng 10, tháng 11", bác sĩ Nga nhận định.
Chuyên gia khuyến cáo với số ca bệnh rất thấp trong 6 tháng vừa qua, nếu cộng đồng duy trì quyết tâm phòng chống sốt xuất huyết, sẽ kìm hãm được sự gia tăng ca bệnh tại thành phố.
Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho biết thêm sau khi nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, số ca tay chân miệng có xu hướng tăng trở lại.
Theo diễn tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, 9. Năm nay, do đại dịch Covid-19, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh góp phần làm giảm số ca tay chân miệng trong những tháng đầu năm.
"Bước sang trạng thái bình thường mới, trường học và các hoạt động vui chơi, giải trí mở cửa trở lại, nguy cơ gia tăng ca tay chân miệng là điều được dự báo trong những tuần tới. Nếu cộng đồng tiếp tục duy trì các biện pháp dự phòng, đặc biệt là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bệnh, không để lây lan thành dịch", bác sĩ Nga nhấn mạnh.
Các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Liêu Lãm. |
TP.HCM kiểm soát dịch thế nào?
Với nguy cơ bước vào mùa dịch cùng sự tái xuất bệnh bạch hầu, Covid-19, ngành y tế TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch.
Đối với sốt xuất huyết, thành phố duy trì giải pháp kiểm soát nguy cơ gây dịch. Bác sĩ Nga nhận định đây là giải pháp phù hợp nhất cho thành phố đông dân, đa dạng về thành phần kinh tế - xã hội, nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học luôn được quan tâm. Trong tháng 5, HCDC đã thực hiện giám sát hoạt động này ở tất cả cấp học tại 24 quận, huyện. Các trường học được hướng dẫn khắc phục hạn chế trong phòng chống bệnh truyền nhiễm trong môi trường học đường. Trong tháng 7, HCDC sẽ tổ chức lớp tập huấn về y tế trường học cho các trạm y tế phường xã.
Ngoài ra, để ứng phó với dịch Covid-19, HCDC đã tổ chức tập huấn cho các đội phản ứng nhanh của thành phố và quận, huyện nhằm nâng cao khả năng xử lý và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được kích hoạt.
Để kiểm soát nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài, các quy trình giám sát tổ bay quốc tế, người nhập cảnh, tổ chức các điểm cách ly có thu phí tại khách sạn… đã được tham mưu cho Sở Y tế TP.HCM.