Bệnh nhân là nam, 50 tuổi, ở xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ. Nam bệnh nhân có tiền sử mắc tiểu đường. Hai tháng gần đây, ông có dấu hiệu bị chướng bụng, xuất hiện áp-xe mủ ở ổ bụng. Bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế và được chỉ định mổ lấy khối áp-xe 2 lần nhưng vẫn không khỏi.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi điều trị trường hợp mắc bệnh Whitmore. Ảnh: T.P. |
Đến lần thứ 3, sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân mới biết mình mắc Whitmore. Bà N.T.L. (vợ bệnh nhân) cho biết hàng ngày 2 vợ chồng làm nông. Vài tháng gần đây, chồng bà phát hiện bụng xuất hiện nhọt có mủ, đi mổ vẫn không hết.
Whitmore thường tiến triển rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người có bệnh mạn tính. Dấu hiệu dễ nhầm lẫn với những bệnh khác vì có áp-xe cơ, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng da… Bệnh cần được điều trị lâu dài, dùng kháng sinh liều cao, khoảng 5-7 tháng mới có thể khỏi hoàn toàn.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh bằng cách hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt những nơi có ô nhiễm nặng. Khi phát hiện vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.