Theo chia sẻ của Trịnh Xuân Kỷ, nguồn cảm hứng để anh nghĩ ra nhiều món ăn sử dụng các loại thảo dược, vị thuốc đến từ ông cố, một lương y lành nghề từng nấu ăn cho hoàng hậu.
Từ món ăn dâng lên hoàng hậu…
Ông cố của bếp trưởng 9X tên Trịnh Xuân Đào, thời trẻ hành nghề bốc thuốc đông y tại Nghệ An. Với sự lành nghề và lương thiện, ông thường xuyên sáng tạo các hình thức mới để việc uống thuốc không còn khó khăn. Ông Đào phát hiện, nếu đem các vị thuốc hầm cùng thực phẩm sẽ tạo thành những món ăn bổ dưỡng và đồng thời là vị thuốc thơm ngon.
Từ đó, hàng loạt công thức kết hợp ra đời, nổi tiếng nhất là món canh gà hầm cải thảo. Món ăn được kết hợp nhiều vị thuốc quý, hầm trong thời gian tiêu chuẩn để giữ được vị ngọt cũng như sự bổ dưỡng, thích hợp cho người mất sức, phụ nữ mang thai sẽ cho nhiều sữa.
Món súp gà cải thảo truyền từ ông cố được đầu bếp Trịnh Xuân Kỷ đem đến cuộc thi Chiếc thìa vàng sơ kết miền Trung.
|
Hằng năm, người con trai cả của lương y Xuân Đào tại Nghệ An vẫn nấu món ăn này. Khi cả gia đình quây quần bên nhau, ông lại kể về giai thoại món súp gà được hoàng hậu ăn liên tục trong thời gian mang thai, được nhà vua khen ngợi. Câu chuyện này cũng được ghi lại trong gia phả dòng họ Trịnh như một niềm tự hào, đồng thời truyền cho Trịnh Xuân Kỷ niềm cảm hứng đến với nghề bếp.
… đến sự sáng tạo của bếp trưởng 9X
Ngay từ nhỏ, Trịnh Xuân Kỷ sớm bộc lộ niềm đam mê ẩm thực. Anh thường vào bếp cùng bố và đến năm 6 tuổi tự tin nhận nhiệm vụ nấu ăn cho cả gia đình. Hơn 10 năm sau, anh kiên định đi theo con đường một đầu bếp chuyên nghiệp, khăn gói lên Hà Nội học việc. Những ngày đầu khó khăn, người phụ bếp 16 tuổi thường xuyên bị la mắng vì không có những kỹ thuật cơ bản. Thấy vậy, sau mỗi giờ làm việc anh đều tự rèn luyện. Có lần để thành thạo kỹ thuật làm phi lê cá, anh thực hành miệt mài hơn 20 kg cá.
Suốt thời gian gắn liền với con đường ẩm thực, Trịnh Xuân Kỷ làm cho nhiều nhà hàng từ Bắc vào Nam. Đến đâu anh cũng cố gắng sáng tạo ra những món ăn mới, sử dụng nguyên liệu đặc trưng của từng vùng miền. Gia tài của anh là hơn 500 công thức nấu ăn do bản thân tự sáng tạo và chế biến. Bếp trưởng trẻ chia sẻ rằng thần tượng của mình là ông cố, vì vậy bản thân luôn cố gắng đưa các loại thảo dược vào món ăn để đem đến lợi ích cho sức khỏe như “ngũ năm đổi cách tiềm dưa hấu”, “heo xông khói bã mía”, “tôm cuốn lá mơ”...
Thành tựu lớn nhất Trịnh Xuân Kỷ thấy tự hào chính là sự tán thưởng và ủng hộ của các thực khách. Đơn cử như có vị khách du lịch người Anh khi đến Kon Tum thử món “súp gà nấu lá é” đã vô cùng thích thú, đăng tải trên nhiều website giới thiệu ẩm thực du lịch Việc Nam. Điều này tạo nên nguồn động viên lớn cho anh trên con đường ẩm thực.
Bếp trưởng Trịnh Xuân Kỷ (khăn đỏ) đem đến vòng sơ kết Chiếc thìa vàng những món ăn độc đáo, đặc trưng hương vị núi rừng Tây Nguyên.
|
Trịnh Xuân Kỷ là một trong những bếp trưởng tham dự vòng sơ tuyển miền Trung của cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp Chiếc thìa vàng, diễn ra vào ngày 2-4/8 tại Đà Nẵng. Cuộc thi do công ty Minh Long I tổ chức, nhằm tìm ra những món ăn ngon, độc đáo, đặc trưng cho từng vùng miền và tôn vinh các đầu bếp tài năng với giải thưởng 1 tỷ đồng.
Sau Đà Nẵng, Hà Nội sẽ là điểm dừng chân của vòng Sơ tuyển, dành cho các đầu bếp khu vực phía Bắc từ ngày 27 đến ngày 29/9. Bán kết tại khu vực phía Bắc sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 12/10; bán kết phía Nam sẽ diễn từ ngày 25 đến ngày 27/10. Chung kết cuộc thi và lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7/12 tại TP HCM.
Để theo dõi thông tin về cuộc thi, độc giả có thể tải miễn phí ứng dụng Chiếc thìa vàng về các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành iOS, Android, Windows Phone thông qua App Store, Google Play hoặc Microsoft Store để cập nhật thông tin cuộc thi.