Bhutan trở thành quốc gia mới nhất ở châu Á loại bỏ đồng tính luyến ai ra khỏi danh sách những điều vi phạm pháp luật, theo Reuters.
Hôm 10/12, Quốc hội Bhutan đã thông qua dự luật hợp pháp hóa các mối quan hệ đồng tính. Trước đó, mục 213 và 214 của bộ luật hình sự nước này quy định xu hướng tình dục trái với tự nhiên - được hiểu rộng rãi là đồng tính luyến ái - không được phép.
Quốc hội Bhutan loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách vi phạm pháp luật. Ảnh: CNN. |
Ugyen Wangdi, nhà lập pháp kiêm phó chủ tịch hội đồng chung xem xét các dự luật chỉnh sửa, cho biết 63 trong tổng số 69 thành viên thuộc cả hai viện của Quốc hội Bhutan đã bỏ phiếu ủng hộ cho thay đổi này.
“Người đồng giới sẽ không bị coi là lệch lạc, đáng xấu hổ và đồng tính luyến ái không còn là hành vi tình dục trái với tự nhiên nữa”, ông Wangdi trả lời phỏng vấn từ thủ đô Thimphu của Bhutan.
Tuy nhiên, điều luật mới vẫn cần được Quốc vương Bhutan thông qua trước khi trở thành luật chính thức.
Trước động thái này của Quốc hội Bhutan, nhiều nhà hoạt động nhân quyền, ủng hộ cộng đồng LGBT không giấu nổi sự vui mừng.
Nhà hoạt động Tashi Tsheten cho biết ông "vui mừng và thực sự hạnh phúc" và gọi đây là "chiến thắng" cho giới LGBT ở nước này.
Sửa đổi luật hình sự, loại bỏ việc coi đồng tính là vi phạm pháp luật được coi là chiến thắng với cộng đồng LGBT. Ảnh: SCMP. |
Tsheten, người đứng đầu nhóm Rainbow Bhutan hoạt động vì quyền của người đồng tính, nói với Reuters: “Tôi nghĩ việc dự luật được thông qua vào Ngày Nhân quyền mang ý nghĩa quan trọng đối với tất cả người dân Bhutan. Tôi tin rằng những người ủng hộ cộng đồng LGBT sẽ ăn mừng vì điều này".
Bhutan, quốc gia có 800.000 người dân theo đạo Phật, là quốc gia tiếp theo ở châu Á nới lỏng các hạn chế đối với quyền của người đồng tính.
Năm 2018, nước láng giềng Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm quan hệ tình dục đồng tính vốn tồn tại hàng thế kỷ. Quyết định này cũng khiến giới LGBT ở nước này xuống đường ăn mừng.
Vào năm tới, các nhà chức trách ở Nepal sẽ lần đầu tiên tính người đồng tính vào trong cuộc điều tra dân số quốc gia để giúp các nhóm thiểu số tiếp cận tốt hơn với các chương trình giáo dục và y tế.
Bhutan nổi tiếng với danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ở Bhutan, chính phủ phát triển một thước đo mang tính khoa học, có tên gọi "Tổng Hạnh phúc quốc gia" (Gross National Happiness) hay "Chỉ số hạnh phúc quốc gia", chỉ số thay cho tổng sản phẩm quốc nội vốn biểu thị sự phát triển kinh tế.
Đây là cách để họ theo dõi mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân. Chính phủ tại vương quốc luôn ý thức được mức độ quan trọng trong việc mang lại những điều tốt đẹp và vui vẻ cho con người.