Zing trích dịch bài đăng trên Korea Times, đề cập đến show truyền hình thực tế nói về chuyện nghệ sĩ Hàn Quốc đổ vỡ hôn nhân gây ra phản ứng trái chiều của khán giả xứ kim chi.
"Hậu ly hôn, tôi không muốn đi ra ngoài, không muốn đối mặt với mọi người và những tin đồn thất thiệt. Làm sao tôi có thể chứng tỏ điều đó không phải sự thật? Tôi rất muốn nhưng thanh minh không có tác dụng. Tôi thậm chí đã nghĩ đến việc tự tử chỉ để khiến họ tin mình", nữ diễn viên Sunwoo Eun Sook kể lại trên We Got Divorced.
Mới phát sóng tập đầu tiên vào ngày 20/11, chương trình truyền hình thực tế We Got Divorced (tạm dịch: Chúng tôi đã ly dị) đã tạo ra một cơn sốt đối với khán giả Hàn Quốc.
Mới lên sóng chưa lâu, chương trình truyền hình thực tế về chuyện người nổi tiếng Hàn Quốc ly dị đã thu hút khán giả, đồng thời nhận về phản ứng trái chiều. Ảnh: KBizwire. |
Nội dung We Got Dirvoced xoay quanh những chia sẻ của người nổi tiếng về chủ đề ly hôn. Các cặp khách mời sẽ đoàn tụ trong vài ngày để nhìn lại mối quan hệ của họ, xem xét những gì đã xảy ra khiến hôn nhân tan vỡ.
"Ở Hàn Quốc, nơi cứ 3 cặp vợ chồng thì có một đôi chia tay, câu chuyện thực sự về hôn nhân và ly dị sẽ được kể cho bạn”, TV Chosun tuyên bố trên trang web quảng cáo của mình.
"Ly hôn trở thành một phần cuộc sống"
Những vị khách đầu tiên của show này là hai diễn viên gạo cội Lee Young Ha và Sunwoo Eun Sook. Hai diễn viên kết hôn năm 1981 khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và ly dị năm 2007, khép lại cuộc hôn nhân 26 năm.
Lần đầu tiên sau 13 năm chia tay, Young Ha và Eun Sook cùng ngồi với nhau để nhìn lại cuộc hôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm cũng như cuộc sống của cả hai sau khi “đường ai nấy đi”.
Khách mời còn lại là đôi vợ chồng YouTuber Choi Beom Kyu và Yu Yae Rin. Hôn nhân kéo dài 5 năm của cả hai mới kết thúc 7 tháng trước.
Với Beom Kyu và Yae Rin, đời sống vợ chồng của cả hai chứa đựng nhiều thăng trầm. Hai người mâu thuẫn nhiều thứ nhỏ nhặt như vấn đề nuôi dạy con gái 4 tuổi, tình yêu nguội lạnh.
Gia đình Lee Young Ha và Sunwoo Eun Sook trước khi ly hôn. Ảnh: Yonhap. |
Theo dữ liệu từ Nielsen Korea, tập đầu tiên và thứ hai của show đạt được tỷ suất người xem trên toàn quốc lần lượt là 9% và 9,3%. Mức rating tương đối cao đối với một chương trình truyền hình cáp tại Hàn Quốc.
Trước đó, khán giả Hàn đã quen thuộc và yêu thích chương trình truyền hình thực tế We Got Married (2008-2017), trong đó các nghệ sĩ giả làm lứa đôi yêu nhau và bắt đầu hẹn hò.
Đến We Got Divorced, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ ly dị gia tăng ở Hàn Quốc và mối quan tâm của xã hội với những gì diễn ra sau đó giúp chương trình này được đón nhận.
"Ly hôn ngày càng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhiều cặp vợ chồng chọn chia xa khi không thể chung sống với nhau được nữa. Do đó, ly dị trở thành chủ đề khai thác”, nhà bình luận văn hóa Kim Sung Soo nói với Korea Times.
"Ly hôn không còn là chủ đề cấm kỵ cần phải tránh bằng mọi giá ở Hàn nữa. Khán giả tò mò và hứng thú xem vì họ không có nhiều cơ hội trực tiếp để nghe về cuộc sống, suy nghĩ và trải nghiệm của những người đổ vỡ hôn nhân”, chuyên gia văn hóa nhạc pop Kim Hern Sik nói.
Tỷ lệ ly dị ở xứ kim chi đang gia tăng trong những năm gần đây. Ảnh: Korea Times. |
Có nên nói về ly dị trên sóng truyền hình?
Sau khi chương trình được phát sóng, một cuộc tranh luận nổ ra trên các diễn đàn mạng tại Hàn Quốc.
Nhiều người xem cho rằng We Got Divorced miêu tả chân thực các cuộc chia tay ngoài thực tế.
"Khi tôi xem We Got Married, cảm giác mọi thứ chỉ là dàn dựng. We Got Divorced đem lại sự tự nhiên, không gượng ép vì nó tập trung vào các mối quan hệ thực. Người xem sẽ đồng cảm nhiều hơn nếu mọi thứ được dựa trên một câu chuyện có thật”, một người dùng bình luận.
Song, một bộ phận khán giả này cho hay nội dung này không thật sự phù hợp, phản đối ý tưởng để những chuyện riêng tư và không mấy vui vẻ như vậy lên sóng.
"Làm thế nào mà chương trình có thể thực sự ghi lại những cảm xúc không thể diễn tả được của các cặp đã ly hôn? Show chắc chắn có sắp đặt và không nằm ngoài mục đích giải trí", một người dùng viết.
"Tôi không hiểu tại sao họ lại muốn công khai một vấn đề vốn chỉ có thể giải quyết giữa hai bên thông qua các cuộc thảo luận riêng tư”, một khán giả khác bày tỏ.
Poster của We Got Divorced. Ảnh: Korea Times. |
Theo Statistics Korea - cơ quan thống kê của chính phủ Hàn Quốc, số vụ ly hôn ở nước này lên tới 110.800 vụ vào năm ngoái, tăng 2% so với năm 2018.
Trong khi đó, số cặp kết hôn mới ít hơn 240.000 trường hợp, mức thấp kỷ lục kể từ khi cơ quan này bắt đầu công bố dữ liệu lần đầu vào năm 1970.
Cả hai nhà phê bình đều cho biết show truyền hình cần thận trọng hơn trong cách tiếp cận một chủ đề vốn nhạy cảm ở Hàn Quốc.
Kim Sung Soo và Kim Hern Sik kêu gọi những người làm chương trình nên suy nghĩ cẩn thận hơn để giúp ích thiết thực cho chính các đôi tham dự lẫn người xem.
"Bất chấp số vụ ly hôn gia tăng, những cặp vợ chồng bỏ nhau và trở thành cha mẹ đơn thân vẫn là nạn nhân của định kiến, phân biệt đối xử từ xã hội”, Kim Sung Soo nói.
"Nếu chương trình thực sự nhằm mục đích khiến xã hội thay đổi quan điểm, nội dung của nó nên trung thực hơn và tiếp cận câu chuyện từ góc quan sát trung lập. Hiện tại, kịch bản vẫn bị can thiệp quá nhiều”, nhà bình luận văn hóa nói thêm.
"Các cuộc chia tay có thể vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết sâu bên trong. Vì vậy, chương trình không nên chỉ là một hình thức giải trí đơn thuần mà cần cố gắng giúp những vị khách mời có cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là cơ hội để khán giả nhận ra cần nhìn nhận chuyện ly hôn của người khác thế nào”, Kim Hern Sik nói.