Chiều nay (20/9), phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor (Công ty WMC) có mặt tại tòa với dáng vẻ tiều tụy hơn rất nhiều so với phiên tòa giai đoạn 1.
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: AT. |
Vân khai năm 2019 bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) bị ốm, bị cáo lên nhậm chức Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Do bị cáo chỉ quản lý Công ty WMC nên không nắm rõ việc phát hành trái phiếu Công ty An Đông.
Vì vậy, sau khi nhận chỉ đạo của cô ruột là bà Trương Mỹ Lan, bị cáo chỉ ký hồ sơ, chứng từ chuyển cho Công ty An Đông 13.000 tỷ đồng để mua trái phiếu sơ cấp.
“Bây giờ bị cáo đã nhận thức mình sai, bị cáo xin chịu trách nhiệm. Tâm bị cáo chưa từng nghĩ đến việc lừa đảo chiếm đoạt ai và cũng không được hưởng lợi, mỗi tháng bị cáo được nhận lương 80 triệu đồng. Bị cáo cũng đã vận động gia đình khắc phục hậu quả cho các bị hại, bị cáo muốn xin lỗi các bị hại đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của họ”, bị cáo Vân nói.
Bị cáo Trương Huệ Vân bị VKS cáo buộc đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty WMC chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông. Sau đó, Công ty An Đông dùng số tiền này mua trái phiếu sơ cấp. Hành vi này của bị cáo Vân đã giúp sức cho bị cáo Lan cùng đồng phạm phát hành 2 mã trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của hơn 20.000 bị hại.
Bị cáo Chu Lập Cơ (ngoài cùng bên phải). Ảnh: AT. |
Em họ bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo Trương Vincent Kinh (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula- Công ty SPG) khẳng định bản thân không điều hành các hoạt động tài chính, chỉ điều hành hoạt động của công ty. Về việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, bị cáo khai chỉ ký các giấy tờ hợp tác đầu tư giữa Công ty SPG và Công ty An Đông chứ không họp bàn, triển khai.
“Bị cáo làm việc theo chỉ đạo của chị Lan, nhiệm vụ chính là đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Việc phát hành trái phiếu bị cáo ký vì là người đại diện theo pháp luật và bị cáo tin vào những người đã chuẩn bị hồ sơ", bị cáo Trương Vincent Kinh trình bày.
Tuy nhiên, bị cáo lại bày tỏ mình rất ân hận vì hành vi giúp sức trong việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông và Công ty Sunny World.
Theo cáo buộc, bị cáo Trương Vincent Kinh đã ký ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản Công ty SPG đến các cá nhân được thuê ký khống chứng từ để giúp sức Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 3 gói trái phiếu của Công ty An Đông.
Đối với việc Công ty Sunny World phát hành trái phiếu, Trương Vincent Kinh đã chỉ đạo thuộc cấp chuẩn bị hồ sơ gồm: Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông; Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu; Hợp đồng đại lý; Bản Công bố thông tin chào bán riêng lẻ trái phiếu và Thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Với sự trợ giúp này của Trương Vincent Kinh, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã phát hành 3 gói trái phiếu An Đông và trái phiếu của Công ty Sunny World, chiếm đoạt số tiền hơn 26.000 tỷ đồng của hơn 30.000 bị hại.
Theo cáo buộc, khoảng tháng 8/2018, Ngân hàng SCB bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra nên việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn.
Vì vậy, bà Trương Mỹ Lan đã họp bàn với Nguyễn Tiến Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TVSI) cùng các nhân sự chủ chốt, lựa chọn các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp nhằm huy động tiền từ người dân.
Sau khi bàn bạc, bà Trương Mỹ Lan và thuộc cấp thống nhất chọn 4 công ty gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, trị giá hơn 30.869 tỷ đồng. Tiếp đó, bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm thực hiện thủ đoạn tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bằng cách mua toàn bộ số lượng trái phiếu của 4 công ty trên rồi đem bán cho hàng chục nghìn người dân để huy động tiền.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.