Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị chỉ trích giàu vẫn nhận cứu trợ, ĐH Harvard trả lại 8,6 triệu USD

Bị chỉ trích trường giàu vẫn nhận cứu trợ, Harvard đành từ chối 8,6 triệu USD từ gói cứu trợ. Trong khi đó, trường nghèo khó lòng vượt qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19.

Hôm 22/4, ĐH Harvard cho biết trường sẽ không nhận 8,6 triệu USD từ gói cứu trợ của Quốc hội Mỹ.

“Harvard chưa từng quyết định nhận cứu trợ hay tìm kiếm hỗ trợ tài chính”, đại diện ngôi trường danh tiếng cho biết.

Người này nói thêm áp lực từ các chính trị gia khiến trường thêm mệt mỏi trong thời kỳ khó khăn này.

Harvard tra lai goi cuu tro 8, 6 trieu USD anh 1

Nhiều chính trị gia gây sức ép, buộc Harvard từ chối khoản cứu trợ 8,6 triệu USD. Ảnh: AP.

Cứu trợ trường giàu gây tranh cãi

Theo Business Insider, Harvard có nguồn tiền quyên tặng lên đến 40,9 tỷ USD. Do đó, việc trường nằm trong danh sách được hỗ trợ gây tranh cãi. Tổng thống Trump từng kêu gọi ngôi trường 383 tuổi thuộc Ivy League này “trả lại tiền”.

“Họ không nên nhận nó. Tôi không định đề cập trường nào khác, trừ Harvard. Họ có vốn quyên tặng lớn bậc nhất cả nước, thậm chí thế giới. Họ nên trả lại tiền”, ông Trump nói tại buổi họp báo ngày 21/4.

Ngay cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz, cựu sinh viên Harvard, cũng kêu gọi trường trả lại tiền cứu trợ.

“Harvard, cảm ơn trường vì tấm bằng ngành Luật của tôi, cũng như chương trình đào tạo pháp lý xuất sắc. Trường giàu lắm rồi, trong khi nhiều người đang tổn thương vì dịch. Giờ, trả lại tiền đi”, Cruz viết trên Twitter hôm 20/4.

Thậm chí, nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding của Harvard cũng cho rằng trường không nên nhận 9 triệu USD cứu trợ khi nguồn quyên tặng đã lên đến hơn 40 tỷ USD.

Ban đầu, ĐH Harvard từ chối trả lại tiền, cho biết “sẽ dành 100% khoản cứu trợ tài chính này cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của họ trong dịch Covid-19”.

Nhưng đến ngày 22/4, hai trường nổi tiếng giàu có khác là Stanford và Princeton cho hay họ sẽ không nhận tiền cứu trợ. Theo phân bố tài chính, Stanford nhận khoảng 7 triệu USD, trong khi Princeton nhận 5 triệu USD hỗ trợ vì dịch Covid-19.

“Princeton không yêu cầu được cứu trợ, đã xem xét liệu có thể sử dụng nguồn tiền này phù hợp mong muốn của Quốc hội và hướng dẫn từ Bộ Giáo dục không. Chúng tôi sẽ nỗ lực đáp ứng các nhu cầu phát sinh do Covid-19 và tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng”, Ben Chang, đại diện phát ngôn ngôi trường danh tiếng ở bang New Jersey, nói.

Harvard tra lai goi cuu tro 8, 6 trieu USD anh 2

Harvard có nguồn vốn lớn, một phần nhờ các cựu sinh viên giàu có, nhưng trường không thể dùng tiền đó để hỗ trợ người học trong dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Không dùng vốn quyên tặng trong dịch

Trong gói cứu trợ dịch Covid-19 của Mỹ, gần 14 tỷ USD được chi cho các trường đại học, cao đẳng.

Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos yêu cầu các trường phải chi trực tiếp ít nhất 50% tiền cứu trợ nhận được cho sinh viên để giải quyết vấn đề học phí, thực phẩm, nhà ở, chăm sóc trẻ em và các khoản phí khác.

“Chúng tôi không muốn thiếu thốn tài chính trong dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu việc học của họ”, DeVos nói.

Bà cũng bày tỏ chê trách khi “những trường danh tiếng, giàu có” như Harvard nhận khoản hỗ trợ này.

“Những trường có nguồn quyên tặng lớn không nên xin cứu trợ. Như vậy, nhiều sinh viên thực sự cần hỗ trợ sẽ nhận được khoản tiền này, bà nêu quan điểm".

Tuy nhiên, theo Barbara Brittingham, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Đại học New England, nguồn quyên tặng của trường đại học không phải tài chính dự trữ cho thời kỳ khó khăn. Nó bao gồm nhiều khoản khác nhau, mỗi khoản được chi cho mục đích cụ thể.

Bà giải thích khi người ta quyên tặng tiền cho trường, họ thường dành số tiền đó vào nguồn nhất định, có ràng buộc. Trường cần luật sư chấp thuận mới có thể chuyển đổi mục đích sử dụng tiền đó.

Các trường có trách nhiệm dùng tiền quyên tặng để kiếm lời và chia lãi cho người đầu tư.

Khi đưa ra gói cứu trợ, Quốc hội không quy định rõ trường với quy mô vốn từ quyên tặng như thế nào mới được nhận gói, chỉ dựa trên số thí sinh theo học và số người nhận trợ cấp liên bang để học đại học.

Thomas Hollister, Giám đốc Tài chính ĐH Harvard, cho biết trên Harvard Crimson, do ảnh hưởng từ dịch, nguồn quyên tặng của trường giảm mạnh, nhưng không cung cấp số liệu cụ thể.

Harvard tra lai goi cuu tro 8, 6 trieu USD anh 3

ĐH Pine Manor bán bớt đất nhưng vẫn khó cầm cự qua dịch. Ảnh: Boston Globe.

Trường nghèo, nhỏ khó tồn tại

Đại dịch khiến nền giáo dục đại học ở Mỹ lao đao. Nhiều trường khó lòng tồn tại, đặc biệt các trường nhỏ.

ĐH Pine Manor (thành lập năm 1911) có vốn quyên tặng khoảng 27.000 USD/sinh viên, con số rất nhỏ so với Harvard - hơn 2 triệu USD/sinh viên.

Trong số 350 sinh viên hệ đại học tại Pine Manor, 85% là người da màu, 84% là người đầu tiên trong gia đình vào đại học và 80% nhận trợ cấp liên bang.

“Chúng tôi thuộc số ít trường đại học dành cho cộng đồng người nghèo”, Tom O'Reilly, Hiệu trưởng Pine Manor, nói.

Thậm chí trước dịch, trường đã gặp khó khăn tài chính. Năm 2013, trường phải bán bớt khuôn viên với giá 4,5 triệu USD, nhờ đó, nguồn vốn tăng gấp đôi.

Cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra khiến doanh thu của Pine Manor giảm khoảng 50%, trong khi lại gia tăng chi phí, bao gồm việc chuyển sang dạy học trực tuyến và “số tiền khổng lồ cho công tác vệ sinh”.

Trong chương trình cứu trợ Quốc hội Mỹ phê duyệt, ĐH Pine Manor chỉ nhận 500.000 USD. Ông O'Reilly thừa nhận nó giúp trường rất nhiều nhưng không đủ.

Với nguồn tiền ít ỏi, nhiều đại học “nghèo” đối mặt với tương lai bất định. ĐH Franklin ở Ohio vừa tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn phân hiệu ở Urbana Branch. Hệ thống ĐH bang Vermont có thể cũng phải áp dụng cách tương tự đối với 3 phân hiệu.

Còn đối với trường Pine Manor, Ủy ban Giáo dục Đại học New England cho biết họ không chắc liệu trường có thể cầm cự qua đợt dịch không, theo Boston Globe.

Dù tin tưởng trường sẽ sống sót qua khủng hoảng, Hiệu trưởng Tom O'Reilly vẫn hy vọng chính phủ có thêm đợt trợ cấp.

Tuyển sinh ảm đạm vì dịch Covid-19, đại học Mỹ thất thu 23 triệu USD

Số lượng thí sinh nhập học khóa mới sẽ giảm 15%, các trường thất thu khoảng 23 triệu USD. Trong khi đó, gói cứu trợ 14 triệu USD từ chính phủ không đủ để giải cứu trường.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm