Chị H. là công nhân trong một nhà xưởng tại Hưng Yên. Với lý do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã chấm dứt hợp đồng với một số lao động, trong đó có chị H.
Chị thắc mắc trong trường hợp này, bản thân có quyền yêu cầu công ty đền bù do đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
Hưng Yên phong tỏa nhiều điểm do liên quan tới ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật) cho biết nếu công ty chứng minh được việc chấm dứt hợp đồng vì lý do bất khả kháng gây ra, chị H. không có quyền yêu cầu bồi thường.
Điểm c, Khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định nếu người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn hoặc vì những lý do bất khả kháng khác, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Khoản 2, Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ "lý do bất khả kháng" thuộc một trong các trường hợp là địch họa, dịch bệnh hoặc di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, việc dịch Covid-19 bùng phát được coi như một trường hợp bất khả kháng. Khi đó, nếu chứng minh được mình đã thực hiện mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải cắt giảm nhân sự, công ty sẽ không phải đền bù cho chị H.