![]() |
Một phụ nữ ở Trung Quốc bị sa thải vì tan làm sớm hơn một phút so với quy định. Ảnh minh họa: SCMP. |
Hầu hết công ty, đơn vị sử dụng lao động đều có quy định rõ ràng về giờ làm việc. Ngoại trừ một số vị trí cụ thể không yêu cầu chấm công, phần lớn nhân viên văn phòng đều phải đi làm và tan làm đúng giờ, người vi phạm sẽ phải nhận hậu quả tương xứng.
Tuy nhiên, cái giá mà người phụ nữ họ Vương ở Trung Quốc phải trả lại khiến cư dân mạng nước này phẫn nộ và pháp luật cũng đứng về phía cô, theo Sohu.
Vương làm việc cho một công ty ở Tăng Thành, Quảng Châu được 3 năm. Cách đây không lâu, giám đốc nhân sự của công ty gọi cô lên gặp, đưa ra nhiều ảnh chụp màn hình video cho thấy Vương tan làm sớm 1 phút trong 6 ngày của năm 2024. Giám đốc nhân sự cho biết theo quy định của công ty, cô cần bị sa thải.
Cô Vương không chấp nhận hình thức xử lý này nên ngay lập tức đệ đơn xin trọng tài lao động can thiệp và gửi đơn kiện lên cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương, thậm chí còn đưa vụ việc ra tòa.
Tòa phán rằng mặc dù ảnh chụp màn hình video do công ty cung cấp cho thấy cô Vương đã rời khỏi văn phòng sớm hơn một phút so với quy định, nhưng việc coi đó là cắt xén giờ làm rõ ràng là không hợp lý.
Ngoài ra, trước khi sa thải, công ty chưa bao giờ cảnh báo cô Vương, cũng không đề xuất bất kỳ hình phạt nào mà trực tiếp đuổi việc cô vài tháng sau khi sự việc xảy ra. Điều này, theo tòa, rõ ràng là không phù hợp.
Tòa kết luận công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động một cách trái pháp luật và phải bồi thường cho cô Vương.
Sau khi vụ tranh chấp lao động bị phanh phui, cư dân mạng đua nhau chỉ trích công ty mà cô Vương làm việc: "Tại sao nhân viên đến sớm không được trợ cấp gì?", "Đến sớm quẹt thẻ không có nghĩa là bạn tận tụy, nhưng về sớm một phút nghĩa là bạn không làm việc chăm chỉ", "Thật là một công ty vô lý, họ đáng bị như vậy", "Tòa án đứng về phía công lý"…
Tháng 4/2023, một sự việc tương tự cũng khiến dư luận Trung Quốc bức xúc. Người phụ nữ ở tỉnh Cam Túc bị sa thải chỉ vì chậm trả lời tin nhắn 3 phút. Theo đơn tố cáo, công ty đưa ra thông báo nghỉ lễ trong nhóm làm việc vào tối 10/4 và yêu cầu mọi người trả lời trước 19h30 hôm đó, nếu không sẽ được coi là tự nguyện thôi việc.
Do lúc đó đã hết giờ làm việc, lại đang ăn tối với bạn, mải nói chuyện nên người phụ nữ không để ý tin nhắn trong nhóm chat công việc, đến 19h33 mới vội vàng trả lời. Cấp trên của cô liền mắng: "Cô đang chọc tức tôi đấy à?".
Đến 3h sáng hôm sau, cấp trên nhắn tin vào nhóm công việc, yêu cầu những nhân viên trả lời muộn báo cáo về văn phòng, kèm theo bản kiểm điểm, văn bản kiểm tra. Lúc đó người phụ nữ đã ngủ, sáng ra mới xem tin nhắn nên không kịp chuẩn bị. Khi đến công ty, cô bị sếp gọi vào văn phòng chửi mắng thậm tệ rồi đuổi việc.
Gen Z trên thế giới đang gia tăng việc đọc sách với xu hướng khác biệt theo khu vực. Tại Mỹ và Anh, giới trẻ ưu tiên sách in, đưa doanh số sách in lên mức cao kỷ lục trong thế kỷ 21, với tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên ngày càng được yêu thích. Ngược lại, tại Trung Quốc, sách điện tử và sách nói chiếm ưu thế nhờ tính tiện lợi, khiến thế hệ Z trở thành lực lượng chính thúc đẩy công nghiệp sách số, với trung bình 28 cuốn sách số được đọc mỗi năm.