Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị ép làm không công, người trẻ Tây Ban Nha thỏa hiệp

Dù không được trả lương làm thêm giờ, nhiều người trẻ ở xứ sở bò tót không dám phàn nàn vì sợ cấp trên đánh giá thấp hay bị sa thải.

Zing.vn trích dịch các bài viết trên BBC NewsThe Local về thực trạng làm thêm giờ không được trả lương ở Tây Ban Nha và cách chính phủ nước này khắc phục tình trạng đáng báo động nói trên.

Maria (35 tuổi) đã có 9 năm làm việc tại khu vực khách sạn cao cấp nằm dọc theo bãi biển Benidorm.

Cô bắt đầu với công việc ở quầy lễ tân ở một khu nghỉ dưỡng và giờ đã có cho mình vị trí ổn định trong bộ phận tiếp thị của tập đoàn khách sạn lớn hơn.

Gần một thập kỷ bước chân vào ngành dịch vụ, cô nhìn rõ thực trạng nhân viên thường xuyên phải làm thêm giờ không công.

“Khi còn là một nhân viên tiếp tân, tôi phải làm việc nhiều giờ mà không được trả lương, lịch trình bị lạm dụng và bị ép làm quần quật đến mức không có thời gian để nghỉ ngơi giữa các ca”, Maria nói với BBC.

Cô nhận thấy không có sự kiểm soát nào về thời gian làm thêm bằng kỹ thuật hay trên giấy tờ khiến những nhân viên như cô thường phải làm nhiều giờ hơn so với hợp đồng với mức lương không hề thay đổi.

Lam them gio khong duoc tra luong anh 1
Làm thêm giờ nhưng không được trả công, nhiều người không dám phàn nàn vì sợ bị đánh giá thấp. Ảnh: FreeUI.

Theo Maria, các nhân viên không dám phàn nàn hoặc từ chối làm thêm giờ vì sợ mất việc còn các nhà tuyển dụng đã tận dụng tâm lý này như một “lỗ hổng”.

Làm thêm giờ không được trả lương là thực trạng báo động nhiều năm qua ở xứ sở bò tót, đặc biệt đối với lớp lao động trẻ tuổi.

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Tây Ban Nha, người dân nước này đã làm việc thêm 5,6 triệu giờ mỗi tuần trong quý đầu tiên của năm 2019, trong đó hơn một nửa số giờ không được trả lương.

Chính phủ quốc gia Tây Âu đang hy vọng giải quyết những vấn đề này bằng cách đưa ra quy tắc mới yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải đăng ký giờ làm việc cụ thể của nhân viên song vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra.

Hàng triệu giờ làm việc không công

Có một quy tắc bất thành văn và lỗi thời tồn tại từ lâu trong tâm lý của nhiều ông chủ ở Tây Ban Nha cho rằng nhân viên ở lâu nhất bên bàn làm việc là những người làm việc chăm chỉ nhất.

Với nhiều người, nhất là các thanh niên mới đi làm, thường có tâm lý thể hiện năng lực, sự tận tâm của bản thân và không dám phàn nàn khi bị “ép” làm thêm giờ vì lo ngại bị cấp trên đánh giá thấp.

Dường như những người trẻ nước này càng nhận thức rằng rất khó tìm được công việc mơ ước kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu khiến họ có tâm lý thỏa hiệp khi bị lạm dùng thời gian làm việc ngoài giờ.

Tây Ban Nha quy định giờ làm thêm là tự nguyện trừ trường hợp khẩn cấp tại nơi làm việc như tai nạn hoặc khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều nhân viên không phản đối việc làm thêm giờ vì sợ rằng sẽ bị sa thải.

Lam them gio khong duoc tra luong anh 2
Những người trẻ thỏa hiệp khi bị lạm dụng thời gian ngoài giờ. Ảnh: Lecture In Progress.

Theo The Local, một nghiên cứu của cơ quan tuyển dụng Adecco chỉ ra gần 60% công nhân ở xứ sở bò tót không nhận được bất kỳ khoản thù lao tài chính nào khi làm thêm giờ.

Số liệu từ Tòa án Tối cao Tây Ban Nha cho thấy có đến 54% số giờ làm thêm của người lao động không được ghi nhận.

Có 46,4% người được khảo sát cho biết họ không nhận được hình thức bồi thường nào khác và 13% nói thêm họ chỉ được nghỉ bằng cách làm thêm giờ để bù vào.

Phát hiện đáng ngạc nhiên đầy mâu thuẫn nhất của nghiên cứu này là có tới 66,7% người tham gia nói rằng họ hài lòng với công việc.

Số liệu thống kê tháng 1/2018 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm 7,8% trong năm 2017. Tuy nhiên, mức lương thấp hơn và thời gian làm việc dài hơn lại trở thành tiêu chuẩn cho nhiều nhà sử dụng lao động.

Quy định kiểm soát thời gian có nhiều kẽ hở

Để khắc phục thực trạng này, quy định kiểm soát giờ làm việc do Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) được đưa ra và có hiệu lực từ ngày 12/5/2019.

Theo đó, các công ty phải ghi lại thời gian bắt đầu - kết thúc ngày làm của mỗi nhân viên và phải lưu trữ dữ liệu trong hồ sơ trong 4 năm. Nếu không thực hiện, người sử dụng lao động có thể phải đối mặt với mức phạt từ 711 USD - 7100 USD cho mỗi lần vi phạm.

PSOE kỳ vọng các quy tắc mới sẽ giúp chấm dứt tình trạng người lao động làm thêm ngoài giờ không được trả lương.

Sindicato Unión General de Trabajadores (UGT), một trong những công đoàn lớn nhất của Tây Ban Nha, coi biện pháp này là “một công cụ thiết yếu để loại bỏ gian lận lao động”.

Maria đồng ý với điều này. Trong vai trò hiện tại của mình, cô sử dụng các biện pháp để giám sát lượng thời gian nhân viên dành cho công việc.

“Tôi đã ghi lại giờ làm việc trong ít nhất 5 năm nay và cá nhân tôi nghĩ rằng nó bảo vệ nhân viên và giúp chống lại việc làm thêm giờ không được trả lương, ít nhất là trong công ty của chúng tôi”, cô nói.

Lam them gio khong duoc tra luong anh 3
Quy định về kiểm soát giờ làm việc có thể bị người sử dụng lao động "lách luật". Ảnh: Company Folders.

Trong khi nhiều công ty lớn đã tự nguyện thực hiện kiểm soát giờ làm việc, các quy tắc mới buộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải bắt kịp cuộc chơi.

Song giải pháp này vẫn bị nghi ngờ về mức độ hiệu quả trong thực tế và để lộ nhiều kẽ hở.

“Các quy định này liên quan trực tiếp đến gánh nặng mới và gia tăng chi phí kinh tế cho các công ty, đồng nghĩa với khả năng được tuân thủ của nó giảm xuống”, Liên đoàn Các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (CEPYME) của Tây Ban Nha cảnh báo.

Trong các công ty lớn hơn, cách để kiểm soát giờ làm việc có thể sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số, máy quét dấu vân tay, quẹt thẻ từ thì các cửa hàng kinh doanh nhỏ khó đảm bảo vấn đề này.

Một vấn đề khác nảy sinh là làm thế nào để ghi lại số giờ của những người không làm việc ở một nơi cụ thể cả ngày.

CEPYME nêu lên mối lo ngại về quản lý thời gian cho những người lao động tự do như nhân viên bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ tại nhà khách hàng.

Các quy định cho rằng các công ty và nhân viên nên thống nhất về cách tốt nhất để ghi lại giờ làm việc trong những trường hợp như vậy và bất kỳ giờ làm việc bên ngoài nơi làm việc vượt quá ngày làm việc bình thường nên được coi là làm thêm giờ.

Tuy nhiên, trong các trường hợp kể trên, sự mơ hồ của các quy định lại tạo ra nhiều câu hỏi hơn là giải quyết vấn đề.

Mặt khác, UGT cho biết các quy tắc sẽ giúp giải quyết mức lương thấp và nghèo đói do lạm dụng giờ làm việc và đảm bảo tuân thủ các giới hạn về giờ làm việc. Song họ lại không thể tiến xa trong việc bảo vệ người lao động bằng các công cụ cần thiết để đảm bảo các quy tắc đó được thực hiện nghiêm chỉnh.

Chính phủ chỉ định chính xác cách ghi lại số giờ nhưng nhiều người lo ngại các công ty có thể lách luật bằng quy định riêng do đặc trưng công việc của họ.

Trong khi có ý định chấm dứt sự bất công, chính phủ cũng có khả năng khiến những công ty tốt gặp khó khăn khi buộc họ tạo ra nhiều quy định khắt khe, cứng nhắc trong quản lý nhân sự.

Trẻ em học hành kiệt sức, thể thao Hàn khó có 'Son Heung Min' thứ hai?

Quan niệm kỳ thi đại học quyết định tương lai và sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp bạc bẽo, nhiều rủi ro khiến nhiều cha mẹ Hàn Quốc ngăn cấm con cái theo đuổi đam mê chơi thể thao.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm