Bị ép làm thần đồng, trẻ 'tẩu hỏa nhập ma'
Thiên tài chưa thấy đâu nhưng những giờ học ngoại khóa hoặc gia sư từ toán, văn, ngoại ngữ đến “cầm kỳ thi họa” khiến không ít trẻ “tẩu hỏa nhập ma”.
>> Học sinh gốc Việt nhận học bổng của tỉ phú Bill Gates
>> Thần đồng ngoại ngữ mong sớm có người 'kế nhiệm'
Mơ ước của các bậc phụ huynh, con mình đến trường là “thủ khoa”, “đầu bảng”, ngoài xã hội thì phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” nên khi ở nhà, nhiều cha mẹ ép trẻ trong “lò luyện thần đồng”.
Nhiều cha mẹ ép con học theo ý thích của mình chứ không phải theo sở thích của con. (Ảnh minh họa). |
1001 lý do “ép hoa nở sớm”
Từ nhỏ, thấy con có khả năng tính nhẩm nhanh, chị Lê Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã “hạ quyết tâm” để hướng con phát triển khả năng. Con chị, Nguyễn Nam Anh, dù mới học “lớp chồi” (lớp dành cho trẻ 4-5 tuổi) nhưng đã biết cộng trừ rất nhanh và chuẩn. Hàng xóm láng giềng cũng hay “thử sức” và bé đều trả lời răm rắp. Ai cũng nói Nam Anh thông minh và nhanh nhẹn hơn các bạn đồng lứa. Thấy vậy, chị Vân Anh quyết “khai thác triệt để” khả năng của cậu con trai.
Cùng chồng bàn bạc, nghiên cứu, chị đưa con đến học lớp “trù bị lớp 1” dành cho các “anh chị” “lớp lá” (trẻ 5-6 tuổi). Lớp học được một “bà giáo” nghỉ hưu đứng lớp với mục đích dạy trước kiến thức để các em vào lớp 1 đỡ bỡ ngỡ. Tham khảo trên mạng, chị Vân Anh còn mua cho con cả “núi” sách rèn luyện trí thông minh, làm toán và sách hướng dẫn phương pháp học tập. Chị đặt chỉ tiêu, bé Nam Anh sẽ là học sinh xuất sắc và đứng đầu lớp về môn toán.
Không có năng khiếu như Nam Anh nhưng bé Hùng (cùng lớp “trù bị lớp 1” với Nam Anh) vẫn được bố mẹ cho đi học sớm trước cả 1 năm. Lý do bố mẹ em đưa ra là bé “hơi chậm”, chậm lẫy, ngồi, đứng, đi, nói… Sợ con đến tuổi đi học sẽ không theo được chúng bạn, bị chê cười, anh chị chọn phương án “cần cù bù thông minh”.
“Học 1 lần không nhớ, thì học 2,3 lần, kiểu gì cũng “vào đầu” được ít nhiều. Thấy cháu có vẻ chậm hơn những đứa trẻ cùng tuổi, gia đình cũng rất lo lắng. Vì thế tôi cho cháu học sớm để “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài học văn hóa, tôi cũng mời thầy dạy vận động tại nhà, để cháu có thể phát triển toàn diện”, mẹ bé Hùng chia sẻ.
Nhiều phụ huynh lại cho rằng, cho trẻ học sớm sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho trẻ. Đặc biệt là các môn ngoại ngữ. Nhân cơ hội chồng được cử đi công tác nước ngoài, chị Phạm Thanh Tú (khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội) cũng cùng đứa con 3 tuổi “khăn gói quả mướp” theo chồng sang xứ người.
Chị cho rằng, đây là “cơ hội ngàn vàng” để con được học tiếng Anh một cách tốt nhất vì đây là độ tuổi trẻ bắt đầu “cập nhật” thông tin và hình thành thói quen giao tiếp. Là một hướng dẫn viên du lịch, hơn ai hết, chị nhận thấy lợi thế to lớn của việc học ngoại ngữ.
“Ngoại ngữ là chìa khóa của thành công, giỏi đến đâu mà người ta nói gì mình không hiểu thì cũng không làm được gì, vì thế tôi cho con học ngoại ngữ đầu tiên. Có ngoại ngữ sau này học gì cũng dễ”, chị Tú cho biết.
Không chỉ các môn văn hóa, việc cho con học năng khiếu cũng trở thành “xu hướng” của các ông bố, bà mẹ trẻ. Thấy chị đồng nghiệp khoe cô con gái đã chơi được được bản nhạc sau 2 tháng học đàn, chị họ tôi “hăm hở” hỏi thăm để đăng kí học cho 2 đứa con, một trai, một gái.
Tuần 2 buổi, chị đưa 2 con đến trung tâm học đàn trên phố Hào Nam (Hà Nội). Chị còn “mạnh dạn” đầu tư, mua một chiếc đàn piano điện hơn hai chục triệu để các con luyện tập tại nhà. Nghỉ hè, chị tính mời thêm gia sư đến dạy để các con nhanh “lên tay”.
Ép thành tài lại thành... tật
Theo tiết lộ của một bác sĩ tâm lý, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn “nhào nặn” con thành người đặc biệt trong tương lai đang ngày càng tăng. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như biết nói, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức “bồi dưỡng” kiến thức cho con.
Từ chỗ nhanh nhẹn linh hoạt sau một thời gian bị “nhồi” những đứa trẻ này đã trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số... là tỏ ra sợ sệt, đau bụng, nôn trớ... Đây là điều vô cùng nghiêm trọng, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này.
TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, tâm lý người Việt luôn muốn mình hơn người. Ai cũng muốn cho con mình được hưởng những gì tốt nhất: Học trường tốt, giáo viên cũng phải giỏi nhất.
“Tâm lý này không có gì xấu, nhưng vô hình trung các bậc phụ huynh bị cuốn theo mạch ganh đua. Thêm vào đó, hầu hết phụ huynh lại tưởng con mình là “siêu nhân”, muốn đem đến cho con những gì tốt đẹp nhất nên xuất hiện xu hướng cố gắng “nhồi nhét” con cái. Đây có lẽ là căn bệnh trầm kha của người Việt, thích mình cái gì cũng phải nhất, giống câu nói: “Hàng đầu ta lại đi đâu, đi đâu ta lại tiến lên hàng đầu”, TS Phương chia sẻ.
Chuyên gia này cũng phân tích, áp lực tâm lý của phụ huynh thật ra lại làm khó các con. Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng khuyên giải, tay trẻ 3-5 tuổi còn yếu, bộ não chỉ tiếp thu ở dạng kiến thức nhất định, như tô màu, nghe kể chuyện... nên nếu bị ép viết, làm toán chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương tay, hệ thần kinh làm trẻ phát triển không toàn diện. Ngay đến thời gian vui chơi cơ hữu của trẻ bị giới hạn khiến các kỹ năng giao tiếp, xã hội của trẻ bị hạn chế.
“Ở lứa tuổi này, trẻ em chưa phát triển trọn vẹn, nếu gây áp lực quá lớn cho trẻ sẽ là điều không tốt. Bố mẹ mà cứ chạy đua, “nhồi nhét” các con thì không phải điều hay”, TS Phương cho biết.
Nên theo tự nhiên
Theo lời khuyên của các chuyên gia, với bé nhỏ hơn 10 tuổi, nếu bộc lộ một sở thích riêng của con hoặc say mê một điều gì đó, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho con tìm hiểu môn học một cách thoải mái và khoa học để bồi đắp sự say mê đó trong con. Bố mẹ cũng không nên đặt ra mục tiêu bắt con phải “chín ép” khi con vẫn còn quá nhỏ. Những sự cấm đoán hay thúc ép đó đều không có lợi cho sự phát triển của bé. Cha mẹ nên tự cho con khám phá, học hỏi theo tự nhiên. |
Theo Người Đưa tin