Người tiêu dùng trẻ Trung Quốc đang ngày càng chuyển sang hàng nhái. Ảnh minh họa: @_s_hj. |
Zheng Jiewen (23 tuổi) từng kiếm được 30.000 NDT (khoảng 4.200 USD) mỗi tháng. Tuy nhiên, thu nhập của cô giảm dần từ năm ngoái do tình hình kinh tế khó khăn.
Đến tháng 2 năm nay, thu nhập đã bị cắt giảm một nửa. Cô buộc phải thắt chặt chi tiêu, từ bỏ những thương hiệu thời trang cao cấp yêu thích như Louis Vuitton, Chanel hay Prada.
Zheng không phải là trường hợp cá biệt. Theo Laurel Gu, giám đốc tại Mintel, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) sự suy thoái kinh tế rõ rệt tại Trung Quốc đã khiến lượt tìm kiếm trên mạng xã hội về hàng "dupe" hay nhiều người trẻ tại xứ tỷ dân gọi là "pingti" (hàng nhái chất lượng cao) tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến 2024.
Sức hấp dẫn của "pingti" nằm ở mức giá rẻ hơn đáng kể so với hàng hiệu, trong khi chất lượng được quảng cáo là tương đương.
Hàng nhái có giá rẻ hơn đáng kể so với hàng hiệu, trong khi chất lượng được quảng cáo là tương đương. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Chẳng hạn, một chiếc quần yoga của Lululemon có giá khoảng 106 USD, trong khi những chiếc quần legging tương tự được bán trên các sàn thương mại điện tử như Tmall chỉ có giá 5 USD.
Sự phổ biến của "pingti" đang gây khó khăn cho các thương hiệu cao cấp. Doanh số bán hàng của LVMH, công ty mẹ của Louis Vuitton, đã giảm 10% trong nửa đầu năm nay tại khu vực châu Á. Đồng thời, xu hướng này cũng góp phần vào sự ảm đạm của thị trường tiêu dùng Trung Quốc, với doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,1% trong tháng trước, thấp hơn kỳ vọng, theo CNN.
Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc phục hồi kể từ sau đại dịch. Theo báo cáo của Nomura, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm xuống mức 86 vào tháng 7, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với mức thấp kỷ lục 85,5 vào tháng 11/2022.
Giá cổ phiếu giảm, dòng vốn tháo chạy và tình trạng tiền lương trì trệ đã khiến người tiêu dùng e ngại chi tiêu. Trong bối cảnh đó, việc giữ được mức lương hiện tại đã được coi là một thành công.
Giáo viên tiểu học đến từ Trùng Khánh (Trung Quốc) tự xưng là Xinxin cho biết trước đây cô thường xuyên dùng serum Advanced Night Repair của Estée Lauder. Nhưng sau khi bị cắt giảm lương hơn 20% trong năm nay, cô đã phải từ bỏ serum cao cấp và chuyển sang sản phẩm thay thế có giá chỉ bằng 1/7.
"Tại sao lại dùng hàng nhái? Tất nhiên là vì bị cắt giảm lương rồi!", cô nói đùa.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản, từng đóng góp tới 30% hoạt động kinh tế, là nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề kinh tế Trung Quốc hiện nay. Bắt đầu hạ nhiệt từ năm 2019, thị trường này rơi vào khủng hoảng khoảng hai năm sau đó, khi chính phủ thắt chặt hoạt động vay nợ của các nhà phát triển.
Nhiều người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu và bảo toàn tài sản. Ảnh minh họa: Visual China. |
Hậu quả là giá nhà hiện có đã giảm gần 30% so với năm 2021, khiến các cá nhân và doanh nghiệp phải bán tài sản, cắt giảm chi tiêu và đầu tư để bảo toàn vốn.
Theo ước tính của Barclays, các hộ gia đình Trung Quốc đã mất khoảng 18 nghìn tỷ USD do sự suy thoái của thị trường nhà ở. Con số khổng lồ này tương đương với việc mỗi hộ gia đình 3 người mất khoảng 60.000 USD, gần gấp 5 lần GDP bình quân đầu người của quốc gia này.
Dù có thu nhập dự kiến lên tới 4 triệu NDT (khoảng 570.000 USD) trong năm nay cùng chồng, Nicole Hal, doanh nhân 33 tuổi ở Quảng Châu, vẫn quyết định cắt giảm chi tiêu do lo ngại về triển vọng kinh tế.
"Tôi đã ngừng mua sắm hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền và quần áo. Thay vì ăn ngoài hàng quán, tôi tự nấu ăn ít nhất 4 ngày mỗi tuần", cô chia sẻ.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.