Nhu cầu về thiết bị, trang phục tập golf tại Việt Nam gia tăng. Ảnh minh họa: @kyduyen1311. |
Theo nền tảng thống kê và thu thập dữ liệu Statista, doanh thu của thị trường dụng cụ golf tại Việt Nam dự kiến đạt 600 triệu USD trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 2024 đến 2028 được dự đoán là 7,1%.
Những con số biết nói này cho thấy tiềm năng của thị trường golf ở Việt Nam. Tầng lớp trung lưu trong nước đang góp phần thúc đẩy nhu cầu về thiết bị tập golf.
Statista nhận định rằng nhiều người chơi coi môn thể thao này là biểu tượng của quyền lực và địa vị. Nói cách khác, golf được xem là hoạt động giải trí dành cho người giàu.
Thị trường dụng cụ golf tại Việt Nam tăng trưởng tương đối đều. Ảnh minh hoạ: @huyenbaby89. |
Thị trường golf Việt Nam tăng trưởng đều
Cũng theo thống kê và dự báo của Statista, thị trường thiết bị golf tại Việt Nam có thể tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm, từ 2018 đến 2028. Cụ thể, doanh thu của ngành hàng này vào năm 2018 đạt 400 triệu USD. Doanh số dự kiến của năm 2028 là 800 triệu USD.
Mức tăng trưởng đều được ghi nhận trong suốt 10 năm, trừ sự sụt giảm nhẹ vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Dữ liệu này cũng chỉ ra sự phân chia thị phần của ngành hàng dụng cụ chơi golf, bao gồm trang phục, gậy, bóng,..., tại Việt Nam.
Decathlon và Titleist là 2 thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất, ở mức 9%. Odyssey đứng thứ 2 với 7%. Trong khi đó, TaylorMade nằm ở vị trí thứ 3, nắm giữ 5% thị trường kinh doanh.
Statista cũng liệt kê danh sách 5 quốc gia có thị trường thiết bị golf lớn nhất thế giới, theo thứ tự từ giảm dần là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Indonesia. Trung Quốc dẫn đầu danh sách thống kê, dự kiến tạo ra 8,8 tỷ USD doanh thu từ ngành hàng này trong năm nay.
Doanh thu ngành hàng thiết bị golf tại Việt Nam được thống kê và dự báo trong giai đoạn 2018-2028. Nguồn: Statista. |
Sự phổ biến của golf góp phần nâng cao nhu cầu về trang phục, thiết bị tập luyện bộ môn này. Ảnh minh hoạ: @charmmie.vu. |
Lý do tăng trưởng
Golf vốn bị “cộp mác” là môn thể thao dành riêng cho giới thượng lưu. Tuy nhiên, sự phổ biến của bộ môn này ngày càng được chứng minh trên phạm vi toàn thế giới.
Golf dần lan rộng, được công chúng đón nhận, tiếp cận số lượng lớn người chơi, thúc đẩy nhu cầu sở hữu trang phục, thiết bị luyện tập.
Các xu hướng thời trang cũng góp phần ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người chơi golf. Sự thay đổi nhanh chóng của các trào lưu giúp thị trường quần áo, gậy golf trở nên sôi động.
Ngoài ra, để phục vụ quá trình luyện tập ngoài trời trong thời gian dài dưới nhiều điều kiện thời tiết, người chơi golf cần mặc trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi, chống nắng tốt. Họ không thể diện đồ tuỳ tiện khi ra sân tập, phải lựa chọn outfit chuyên dụng.
Các thương hiệu thời trang đầu tư vào chất liệu vải mỏng, nhẹ, chống tia UV, gia tăng doanh số nhờ nhu cầu mặc đồ tập chuyên dụng của các tay chơi golf.
Ngôi sao, người có sức ảnh hưởng cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trang phục, bóng, gậy golf. Các nhãn hàng thời trang thể thao, thiết bị luyện tập nhanh chóng bắt tay với các vận động viên nhằm nâng cao danh tiếng thương hiệu, tiếp cận với người chơi bộ môn này.
Cuối cùng, sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử chính là chiếc chìa khóa nhân rộng sự phổ biến của dụng cụ golf. Các nền tảng mua sắm trực tuyến cho phép hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Quá trình mua bán cũng diễn ra thuận tiện hơn, góp phần gia tăng doanh số cho thị trường này.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.