Bi hài teen thuê 'bố mẹ' đi họp phụ huynh
Gần Tết, khi những ngày họp phụ huynh đang cận kề, nhiều teen phải dùng trăm phương nghìn kế để đối phó với thời khắc “kinh hoàng” này.
Buổi họp phụ huynh định kỳ luôn mang đến cho các bạn học sinh nhiều cảm xúc. Đối với những bạn chăm ngoan thì đây là dịp khoe những điểm số "đẹp như hoa" với bố mẹ. Ngược lại, teen cá biệt phải tìm đến “bố mẹ ảo” để cầu cứu. “Bố mẹ ảo” không ai khác chính là chú xe ôm, cô bán nước gần trường.
Dịch vụ cho thuê “bố mẹ” tràn lan trên mạng. |
Việc tuyển chọn “diễn viên” phù hợp vào vai bố mẹ các “đạo diễn” tuổi teen cũng không hề đơn giản. “Mình phải mất cả buổi để tìm được một bác sửa xe ven đường có khuôn mặt gần giống bố mình. Quan trọng hơn hết là bác ấy phải nhớ rõ tên, tuổi của… bố mẹ thật và thời gian học tập của mình để giáo viên có hỏi thăm thì cũng không bị lộ tẩy”, N.Q., một bạn nữ có nhiều kinh nghiệm làm “đạo diễn” tâm sự.
Những phi vụ "mướn diễn viên" thường được dàn xếp kỹ lưỡng với giá cả cũng rất… bình dân. Nhiều teen thà nhịn ăn sáng vài ngày để có tiền trả “catse” cho bố mẹ giả còn hơn phải nghe những lời phàn nàn quanh năm suốt tháng, nặng hơn là phải chịu các hình phạt như cấm online, không cho tụ tập bạn bè.
Tâm lý giấu điểm kém, sợ chịu phạt là nguyên nhân chính của việc... nhận xe ôm làm bố, cô bán tạp hóa gần trường thành mẹ của nhiều teen ham chơi, lười học. Có cung ắt có cầu, trên các trang mạng, diễn đàn xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ cho thuê, đóng giả bố mẹ đi họp bất kể thời gian, địa điểm làm hài lòng các khách hàng tuổi teen.
Và "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", H.Long (sinh viên ĐH SPKT TP.HCM) dù đã qua thời phải nơm nớp lo sợ các kỳ họp phụ huynh, nhưng anh chàng vẫn nhớ đời bài học khi “mướn” bố mẹ giả: “Số là kỳ họp phụ huynh học kỳ 1 năm lớp 12, mình rất an tâm khi “mẹ thuê” đã hoàn thành phi vụ một cách trót lọt. Một vài ngày sau đó, trong một lần đi siêu thị với… mẹ thật mua đồ Tết lại tình cờ gặp cô giáo chủ nhiệm, mẹ sốt sắng hỏi cô về tình hình học tập của mình, thế là mọi chuyển vỡ lở. Lúc đó mẹ thì giận, cô giáo thì hốt hoảng, còn mình thì chỉ muốn độn thổ!”.
Tất cả chuyện xấu hổ này đều xuất phát từ suy nghĩ nông nổi, chỉ muốn đối phó với tai họa trước mắt mà nhiều bạn không hề biết rằng khi mọi chuyện đổ bể, tai hoạ còn lớn hơn gấp trăm lần. Khi đó teen sẽ bị mất lòng tin với thầy cô, ba mẹ và phí phạm số tiền cho người lạ một cách vô ích, cuối cùng cũng chả giúp được gì ngoài việc khiến hình ảnh của chính mình trở nên xấu xí hơn thôi.
Theo Đất Việt