Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị khách tạt nước vào mặt, nữ nhân viên Mỹ được ủng hộ 1.700 USD

Cư dân mạng đồng loạt quyên góp cho Bryanna để "cô ấy biết rằng trong xã hội, không phải ai cũng tồi tệ như kẻ đã tạt nước vào cô".

Feroza Syed không thể tin được những gì cô tận mắt chứng kiến: một người đàn ông ném thẳng cốc soda cỡ lớn vào nữ nhân viên tại quầy take away của cửa hàng ăn nhanh ở ngoại ô Atlanta (Mỹ).

Lý do hắn đưa ra là không muốn có đá ở trong đồ uống của mình.

Khi đến lượt Syed gọi đồ, cô nhận thấy Bryanna - người phụ nữ bị ném cốc - cơ thể ướt sũng và đang khóc. Nạn nhân đang mang thai 6 tháng.

Syed liền đưa cho Bryanna 20 USD tiền boa, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi vô văn hóa của vị khách trước đó và đề nghị gọi cảnh sát.

Bryanna xúc động khi nhận được phong bì quyên góp từ cộng đồng mạng. Ảnh: Feroza Syed.

Trên đường về, do vẫn còn tức giận về vụ việc, Syed đăng tải câu chuyện lên Facebook và bất ngờ nhận được vô số phản hồi từ cộng đồng mạng.

Từ đó, Syed liền nảy ra ý tưởng. Cô kêu gọi hàng nghìn bạn bè và người theo dõi hãy quyên góp cho Bryanna thông qua tài khoản ngân hàng.

5 USD hoặc bao nhiêu cũng được, tùy tâm các bạn”, cô viết.

Trong phong bì là khoản quyên góp từ những người biết đến sự việc đáng tiếc của Bryanna thông qua Syed. Họ mong muốn “Bryanna có thể nở nụ cười trên môi và cho cô ấy biết rằng không phải ai trong xã hội cũng tồi tệ như vậy”.

“Đa số các khoản đóng góp chỉ 5-20 USD nhưng gộp lại thành một con số rất lớn”, Syed chia sẻ.

Syed và Bryanna. Ảnh: Feroza Syed.

Trong bài đăng tiếp theo, Syed chia sẻ tài khoản ngân hàng của Bryanna để những người khác có thể quyên góp trực tiếp cho người phụ nữ sắp làm mẹ này.

“Tôi đơn giản chỉ bất bình khi chứng kiến một người bị đối xử tồi tệ thôi. Làm điều đúng đắn sẽ truyền cảm hứng cho những người tiếp theo”, Syed chia sẻ với CNN.

Cô nói thêm: “Có một điều mà tôi học được suốt nhiều năm qua: Khi thấy bất kỳ ai bị ngược đãi hoặc làm hại, tất cả những gì chúng ta cần làm là một người dám đứng lên thay đổi tình hình”.

“Đây là một trong những cách trả ơn cho đội ngũ lao động thiết yếu trong xã hội - những người đã đặt cuộc sống của họ xuống dưới nhu cầu ăn uống, mua sắm và chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Hãy nhớ rằng ai cũng có thể làm như tôi”, trích bài viết của Syed trên mạng xã hội.

Tính đến ngày 17/12, Mỹ ghi nhận hơn 17,5 triệu bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 314.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới. Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của Covid-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.

Bí quyết mua nhà ở tuổi 25 của một cô gái Mỹ

Hồng Chang (Theo CNN)

Bạn có thể quan tâm