Trao đổi với trang Jalopnik, đại diện đến từ Pilkington – công ty chuyên sản xuất kính trực thuộc tập đoàn Nippon Sheet Glass của Nhật cho biết, những chấm hay dải đen này đều có những công dụng nhất định.
Dải đen “frit”
Có tên gọi chuyên ngành là “frit”, dải đen này được hình thành từ việc nung gốm nóng cùng các hợp chất hóa học cần thiết trong nhiệt độ cao khiến chúng không thể cạo bỏ.
Dải frit thường chạy dọc theo các cạnh của kính ôtô, phục vụ 2 mục đích chính sau đây:
Mục đích đầu tiên, cũng là quan trọng nhất của dải frit là giúp ngăn các tia cực tím (UV) làm hỏng keo trám kính urethane. Bởi nếu lớp keo này bị hư hại, nước mưa sẽ theo các lỗ hổng chảy vào trong xe, thậm chí có thể làm kính chắn gió bị xô lệch, dễ sập và gây ra các tai nạn đáng tiếc.
Dải frit thường chạy dọc theo các cạnh của kính ôtô. Ảnh: Jalopnik.
|
Ngoài ra, dải frit còn làm tăng độ bền cơ học, hóa học của kính ôtô, bảo vệ không gian trong xe khỏi bị xâm nhập bởi chất lỏng và không khí, đồng thời làm cho bề mặt kính nhẵn bóng và có độ ánh đẹp.
“Ma trận” chấm đen
Là một biến thể của dải frit, các chấm đen mà chúng ta thường thấy có kích thước nhỏ dần theo hướng từ viền cạnh vào giữa, nhằm nâng cao tính thẩm mỹ của kính chắn gió.
Theo các kỹ sư từ Pittsburgh Glass Works, vì dải frit màu đen nên có xu hướng nóng nhanh hơn so với các loại kính trong suốt. Nếu nhiệt độ tăng quá mức cho phép, chúng có thể làm kính biến dạng. Do đó, những chấm tròn này đóng vai trò như các “nhân viên điều tiết” giúp phân bố nhiệt hợp lý trên kính chắn gió.
Mặc dù chỉ là những chi tiết nhỏ và không đáng kể song để ôtô hoạt động hiệu quả và an toàn, người dùng không nên bỏ qua chi tiết trên khi lựa chọn kính ôtô để thay thế.