Du khách check-in cùng cá heo trắng nổi tiếng tại Geoje Sea World. Ảnh: @geojeseaworld. |
Trong 10 năm qua, có tới 15 con cá heo chết tại Công viên thủy cung Geoje - Geoje Sea World (tỉnh Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc), khiến nơi này bị gán cho những biệt danh đầy ám ảnh như "nghĩa địa cá voi" hay "thủy cung chết chóc", Korea Times đưa tin.
Theo chính quyền tỉnh Gyeongsangnam-do và Hiệp hội Phúc lợi Động vật Hàn Quốc, trường hợp tử vong mới nhất là chú cá heo con, được xác nhận qua đời vào ngày 8/9.
Tình trạng sức khỏe của cá heo con vốn yếu từ khi sinh ra. Sự kiện đau lòng này diễn ra sau cái chết của 2 con cá heo khác tên July và Nova. Chúng được sử dụng trong các buổi biểu diễn và lần lượt qua đời vào ngày 25 và 28/2 năm nay.
Tranh cãi về việc sinh sản trong thủy cung
Các nhóm bảo vệ động vật chỉ trích Công viên thủy cung Geoje vì tiếp tục sử dụng cá heo trong các buổi biểu diễn và giao phối nhằm mục đích thương mại, bất chấp việc luật Bảo vệ Vườn thú và Thủy cung đã được sửa đổi vào tháng 12/2023.
Luật sửa đổi này cấm trưng bày các loài động vật thuộc bộ cá voi, bao gồm cá heo, vì chúng không thích hợp cho việc triển lãm. Đồng thời, cấm việc nhập thêm động vật mới, mở đường cho việc chấm dứt các buổi triển lãm cá voi và cá heo trong các thủy cung nội địa. Tuy nhiên, hoạt động của Công viên thủy cung Geoje hầu như không thay đổi.
Một con cá heo mũi chai tên Mark biểu diễn trong một chương trình tại thủy cung Geoje vào tháng 4/2023. Mark đang mang thai vào thời điểm đó. |
Vào tháng 7/2023, một chú cá heo mũi chai có tên là Mark đã được sinh ra tại công viên thủy cung Geoje. Tiếp theo là sự ra đời của cá heo Arang, được chuyển từ Pacific Resort (trước đây là Pacific Land) vào tháng 4 năm nay.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật cho rằng việc sinh sản trong các thủy cung là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính phủ cho biết cần có thêm đánh giá pháp lý để xác định liệu sinh sản có thuộc vào điều khoản cấm nhập động vật mới hay không.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát đối với thủy cung, cáo buộc cơ sở này "sinh sản bất hợp pháp" sau sự ra đời của cá heo Arang.
Bị ép biểu diễn dù đang ốm yếu
Một quan chức thuộc Ban Hàng hải và Cảng vụ của chính quyền tỉnh Gyeongsangnam-do cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Đại dương và Thủy sản trong khi chờ đợi sự giải thích pháp lý".
Dù luật sửa đổi đã quy định mức phạt lên đến 2 năm tù hoặc phạt tiền tối đa 20 triệu won (khoảng 15.000 USD) đối với việc nhập khẩu động vật thuộc bộ cá voi. Tuy nhiên, luật lại không đề cập đến các biện pháp xử lý tiếp theo, chẳng hạn như tịch thu.
Công viên thủy cung Geoje từng đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ vào đầu năm nay khi buộc hai con cá heo July và Nova phải biểu diễn dù chúng đang điều trị bệnh. Trong đó, Nova thậm chí còn phải biểu diễn cho đến 4 ngày trước khi chết.
Một con cá voi trắng tại thủy cung Geoje cũng được sử dụng trong các chương trình biểu diễn dưới vỏ bọc "trình bày sinh thái". |
Trước những chỉ trích này, Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Hàn Quốc, gồm các bác sĩ thú y đương nhiệm và cựu bác sĩ thú y trên toàn quốc, đã kêu gọi cần tạo cơ hội điều trị cho các động vật có vấn đề về sức khỏe và hạn chế việc trình diễn.
Mặc dù thủy cung này vẫn tiếp tục hoạt động sinh sản, họ đã tách riêng cá heo đực và cái. Tuy nhiên, những vấn đề khác như kiểm soát nhiệt độ nước bằng máy bơm nhiệt, vẫn chưa được giải quyết.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật nhấn mạnh: "Chính quyền địa phương, với vai trò là cơ quan cấp phép, có thể ban hành lệnh khắc phục đối với các thủy cung và áp dụng các biện pháp chế tài hành chính, chẳng hạn như đình chỉ hoạt động nếu không tuân thủ quy định".
Họ kêu gọi chính quyền địa phương và Bộ Đại dương và Thủy sản sử dụng các thanh tra viên chuyên nghiệp mới được bổ nhiệm để tích cực tìm kiếm các biện pháp điều chỉnh hoạt động của thủy cung này.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.