Trong đó, phải kể đến phương pháp dưỡng sinh giúp người cao tuổi sống trường thọ của danh y Tuệ Tĩnh. Theo vị danh y này, dưỡng sinh trường thọ có thể phân chia thành nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong muốn, người cao tuổi phải thực sự kiên trì trong việc luyện tập.
Một buổi tập dưỡng sinh của Hội người cao tuổi tỉnh Sóc Trăng. |
Cân bằng giữa âm dương và vũ trụ
Theo danh y Tuệ Tĩnh thì dưỡng sinh căn cứ vào hình thức có thể phân thành 3 loại: Dưỡng sinh sinh hoạt, dưỡng sinh tự nhiên và dưỡng sinh kỹ thuật. Dưỡng sinh sinh hoạt bao gồm các phương pháp ăn uống, sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi, điều dưỡng tinh thần và vệ sinh tình dục. Dưỡng sinh tự nhiên bao gồm phương pháp dưỡng sinh bốn mùa và dưỡng sinh hoàn cảnh. Dưỡng sinh kỹ thuật bao gồm các phương pháp châm cứu, xoa bóp, tập luyện khí công, thực dưỡng và dược dưỡng. Nếu căn cứ vào mục đích có thể phân thành hai loại: Dưỡng sinh thông thường và dưỡng sinh chuyên biệt. Nhưng dù phân loại theo cách nào thì nội dung cơ bản của phương pháp dưỡng sinh trường thọ cũng gồm ba vấn đề: Kiện thân, dưỡng tâm và mỹ dung.
Dưỡng sinh kiện thân (hay còn gọi là dưỡng thân) sử dụng các phương pháp cần thiết để cho da dẻ sáng láng, cơ nhục, tay chân rắn chắc, ngũ quan linh lợi, bên trong tạng phủ khoẻ mạnh, kinh mạch lưu thông, khí huyết sung túc. Để đạt được điều này, ba vấn đề quan trọng nhất cần thực hành là việc ăn uống khôn ngoan, dùng thuốc hợp lý và vận động tập luyện đúng cách. Ăn uống là điều kiện cơ bản để duy trì sự sống và quá trình sinh trưởng, phát dục của cơ thể nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo đầy đủ, cân bằng, điều độ và vệ sinh.
Dùng thuốc để cường thân ích thọ là việc nên làm, song theo phép dưỡng sinh trường thọ thì phải “biện chứng thi trị”, nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm thể chất và tình hình sức khoẻ bệnh tật cụ thể của mỗi người mà lựa chọn và dùng thuốc cho phù hợp, cơ thể thiếu cái gì thì bù đắp cái đó, không được sử dụng vô độ, bừa bãi. Cơ thể con người cũng cần vận động và tập luyện thường xuyên thì mới mong có được sức khoẻ và trường thọ. Tuy nhiên tập luyện có rất nhiều cách. Mỗi cách lại có những ưu, nhược điểm riêng. Bởi vậy, người luyện tập phải biết lựa chọn một cách thông minh và có hướng dẫn chu đáo thì mới đạt được hiệu quả theo ý nguyện.
Ảnh họa chân dung danh y Tuệ Tĩnh. |
Bên cạnh việc dưỡng thân thì dưỡng tâm (hay còn gọi là dưỡng thần) cũng là yếu tố quan trọng trong dưỡng sinh trường thọ. Dưỡng tâm nghĩa là sử dụng các biện pháp cần thiết để điều hòa đời sống tinh thần, tình cảm, cốt sao đạt được sự ổn định và cân bằng. Theo y học cổ truyền, “thần” là một trong ba thứ cực kỳ quan trọng (tam bảo) của nhân thể cùng với “tinh” và “khí”. Vả lại, một trong những quan điểm cơ bản của y học cổ truyền phương Đông là “hình thần hợp nhất”, nghĩa là giữa thể xác và tinh thần luôn có một mối quan hệ biện chứng hết sức mật thiết. Cho nên, muốn cho thân thể cường tráng và trường thọ thì nhất thiết phải chủ động xác lập cho được một đời sống tinh thần khoẻ mạnh. Nói như danh y Tuệ Tĩnh là phải “thanh tâm”, “quả dục” để “tồn thần”.
Còn mỹ dung có nghĩa là sắc đẹp và làm đẹp nhưng ở đây phải hiểu mỹ dung không chỉ giới hạn ở khuôn mặt và hình hài bên ngoài mà điều quan trọng là phải tạo được cái đẹp có tính tự nhiên và chỉnh thể, đẹp cả trong lẫn ngoài, cả thể xác và tâm hồn. Trong mỹ dung dưỡng sinh cổ truyền phương Đông, điều đó có nghĩa là phải tuân thủ triệt để nguyên tắc “hình thần kiên cố, nội ngoại đồng trị”.
Sở dĩ cần làm như vậy là vì: Muốn đạt được mục đích làm đẹp thì nếu chỉ bảo dưỡng vùng mặt chưa đủ mà phải làm cho công năng tạng phủ điều hoà, kinh mạch vận hành thông suốt, khí huyết toàn thân vượng thịnh thì không những chỉ riêng bộ mặt mà dung mạo toàn thân cũng toát lên vẻ đẹp tự nhiên và bền vững.
Nói về tác dụng của các phương pháp dưỡng sinh đối với người cao tuổi, lương y Nguyễn Huy (Chủ nhà thuốc Phúc Lộc Thọ) cũng cho biết: “Dưỡng sinh là phương pháp rất tốt cho sức khỏe. Chúng giúp con người phòng tránh và đẩy lùi nhiều bệnh tật như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Các phương pháp dưỡng sinh đều hướng tới việc giữ gìn và nâng cao nguyên khí giúp tăng cường thể chất và nâng cao tuổi thọ”.
Theo lương y Nguyễn Huy thì cơ sở khoa học của dưỡng sinh phương Đông là giúp người khỏe mạnh, giữ được cân bằng âm dương trong cơ thể với môi trường và vũ trụ. Tuy nhiên trong vận động dưỡng sinh cần chú trọng cả vận động cơ bắp và vận động tinh thần. Có nghĩa là, người tập cần biết kết hợp dưỡng cả tâm.
Giai thoại về bài dưỡng sinh của thần y Hoa Đà
Từ rất lâu, việc luyện tập để có sức khỏe dẻo dai được người xưa vô cùng quan tâm, đặc biệt là ở người già. Người ta kể lại rằng, Hoa Đà sống ở thời Tam Quốc là thầy thuốc nổi tiếng và cũng là một chuyên gia về dưỡng sinh. Tương truyền, thời trẻ có lần Hoa Đà lên núi hái thuốc, khi lên đến lưng chừng núi, ông phát hiện một cái hang. Trong hang có hai vị tiên râu dài tóc bạc đang bàn luận y học. Ông đứng ngoài hang nghe và nhớ nhập tâm. Hai vị tiên về sau không những truyền lại cho ông y thuật cao siêu mà còn dạy ông phép tập luyện phỏng theo tư thế của năm loài muông thú là hổ, hươu, gấu, khỉ, hạc. Bài tập này được ông gọi là “ngũ cầm hý” (tức trò chơi của năm loại động vật).
Bài tập “ngũ cầm hý” vận động thân thể theo các động tác khác nhau của năm loài vật trên sẽ tác động tốt đến phủ tạng, giúp khí huyết toàn thân lưu thông, sống khỏe mạnh vì đã vận động được tất cả các bộ phận, các tổ chức trong cơ thể cùng một lúc. Y học Trung Quốc cho rằng “ngũ cầm hý” có tác dụng dưỡng sinh rất hiệu quả. Y học hiện đại cũng đã chứng minh “ngũ cầm hý” là bài thể dục dưỡng sinh cùng lúc làm vận động tất cả hệ thống gân, cơ cũng như tác động đến các tuyến nội tiết. Do đó vừa nâng cao công năng của hệ gân cơ, vừa tăng công năng phủ tạng, làm tăng sự lưu thông của khí huyết, kích thích sự hoạt động của các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, bài tiết, các tuyến nội tiết...
“Ngũ cầm hý” không đơn thuần là bài tập dưỡng sinh hay thể dục mà là một bài luyện khí công cao cấp. Trong bài luyện khí công này, Hoa Đà kết hợp nhịp nhàng giữa vận động gân cơ với luyện thở, lấy khí công dẫn dắt các cơ quan nội tạng điều hòa trạng thái hoạt động cho cân bằng, khiến cơ thể tráng kiện, kìm chế quá trình lão hóa. Bởi vậy mà sống vào thời loạn ly, dân tình cơ cực nhưng nhờ sáng tạo và luyện tập suốt đời thuật khí công - dưỡng sinh “Ngũ cầm hý”, đến lúc tuổi già danh y Hoa Đà vẫn tráng kiện, minh mẫn.
Những thuật dưỡng sinh đời sau đều dựa trên nguyên tắc “thái cực”, “hình ý”, “bát quái”, xét về nguyên lý đều phù hợp với thuật “ngũ cầm hý” của Hoa Đà. Một phương pháp tập luyện dưỡng sinh trường thọ thường được dân gian nhắc đến là Đạo dẫn.
Theo cuốn “Diên thọ chân pháp” thì đây là bài tập của rất phù hợp với người già. Bài tập nhằm giúp cơ thể cường tráng, tinh thần minh mẫn, phấn khởi, tránh được tật bệnh, kéo dài tuổi thọ. Phương pháp này bao gồm 12 động công, kích thích lục phủ ngũ tạng, các huyệt kinh lạc quan trọng, các tuyến nội tiết, cơ bắp, khớp vận động chủ yếu của cơ thể. Cách tập luyện cũng rất đơn giản, ít động tác, có thể thực hiện trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, rất thích hợp với người cao tuổi, người vướng bận nhiều công việc.
Hướng dẫn tập dưỡng sinh trường thọ theo đạo sĩ xưa
Đầu tiên dùng hai hàm răng đập vào nhau 36 lượt. Lấy đầu lưỡi liếm lên hàm ếch cho nước bọt tiết ra đầy miệng, rồi chia nuốt dần làm 36 lần. Khi làm phải mím miệng, mím môi lại. Sau đó lấy hai bàn tay xát vào nhau cho nóng rồi ấp lên mặt xát như rửa mặt. Tiếp tục dùng hai bàn tay che bịt tai, rồi dùng ngón trỏ đè lên ngón giữa, đập vào xương não hậu (xương chẩm), hai bên phải-trái 24 lần. Tiếp theo làm động tác nín hơi, tay trái duỗi thẳng, tay phải làm như kéo dây cung ngang tầm vai, sau đó đổi bên. Nắm hai tay lại, mũi hít không khí, vận xuống dưới đan điền (dưới rốn), rồi giơ tay lên trời, xong hạ tay xuống, để lên đầu gối. Tay trái đỡ thận nang (vùng thận sau lưng), tay phải xát đan điền 16 lượt. Sau đó, ngồi xếp bằng, để chân trái lên đùi phải, tay trái nắm chặt ống chân trái, rồi lấy tay phải xát gan bàn chân 36 lượt rồi chuyển sang chân phải làm tương tự. Xát huyệt giáp tích ở dưới đốt cuối xương sống, phía trên hậu môn.