- Từ một người đã đi làm nhiều năm, xin anh cho biết lý do hoãn công việc nhiều thành công để lên đường du học?
- Sau thời gian dài đi làm, tôi thấy mình quá cậy nhờ vào kinh nghiệm nên cần phải bồi đắp thêm tri thức. Với tôi, học không chỉ là kiến thức, mà còn từ nền văn hoá, con người. Tôi thực sự yêu mến bản sắc văn hoá, tính cách và con người Đức.
Lê Ngọc Sơn. |
- Để du học, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết. Đâu là điểm mấu chốt để anh học tiếng Anh và tiếng Đức hiệu quả?
- Với người đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhiều năm, học ngoại ngữ khá vất vả, đến giờ vẫn không ngừng trau dồi. Có lẽ, mọi thứ đều cần đến sự cần mẫn và kiên trì. Học từng chữ một, rồi cũng có ngày nói, viết được. Thêm nữa, bạn phải tìm được giáo viên tốt.
- Điều quan trọng nhất của người ngoài 25 tuổi quyết định bước vào con đường nghiên cứu ở nước ngoài là gì?
- Thực ra làm nghiên cứu sinh về bản chất là học cách nghiên cứu, học làm nghề nghiên cứu. Với tôi, chắc hẳn đó là biết làm bạn với “sự một mình” – một cách gọi khác của việc chủ động chọn cô đơn làm bạn. Kể cả trong cuộc sống, tôi lấy sự bình yên làm trọng.
“Sự một mình” trong nghiên cứu học thuật không phải điều gì đáng thương hay chịu đựng, ngược lại đó là cảm giác và trải nghiệm thú vị. Đôi khi một mình không nhất thiết phải tách khỏi đám đông một cách vật lý, mà là dành riêng một không gian tâm tưởng cho mình tự nghĩ suy, chiêm nghiệm, đối thoại với vũ trụ quan của chính mình.
Tôi rất thích một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại ý: “Mọi người nghĩ rằng sự náo nhiệt là hạnh phúc. Nhưng khi hưng phấn với sự náo nhiệt, bạn không còn bình yên. Trong khi, hạnh phúc thực sự lại dựa trên sự bình yên”.
Hay như Goethe, người Đức được coi là vĩ đại trong lịch sử, vào một buổi chiều 6/9/1780, ông viết trên khung cửa sổ túp lều gỗ trên vùng núi cao Kickelhaln ở Ilmenau câu thơ bất hủ: “Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên”. Đó như là một tuyên ngôn triết học của tiền nhân về ý nghĩa thực sự của cuộc sống này vậy!
Ở trạng thái “một mình”, người ta điềm tĩnh hơn, có thời gian chuyên tâm giải quyết khó khăn trong cuộc sống và học tập: Có khi là một hướng nghiên cứu đang bị tắc ở đâu đó, hay một cuốn sách đang đọc dở. Cũng có thể đó là sự vẩn vơ những ý niệm mình tâm đắc.
- Trở lại môi trường đại học sau khi đã tốt nghiệp nhiều năm, nhưng anh vẫn nhận được học bổng tiến sĩ của nhiều trường lớn?
- Về chuyện du học, tôi nghĩ mình cũng may mắn. Thường để xin học bổng và có vị trí nghiên cứu bậc tiến sĩ là hai công việc khác nhau. Tuy nhiên, chúng có vài điểm chung như sau:
Kế hoạch rõ ràng: Từ lúc có ý định theo đuổi bậc học này cho đến khi được chấp nhận là một quá trình rất dài, thường khoảng 2-3 năm. Do đó, bạn cần có kế hoạch cụ thể làm gì ở mỗi giai đoạn.
Để được chấp nhận làm nghiên cứu sinh, trường yêu cầu rất nhiều thủ tục chứng minh năng lực của ứng viên, từ việc trang bị ngoại ngữ, đến chọn đề tài nghiên cứu, tìm giáo sư hướng dẫn…
Tham khảo kinh nghiệm người đi trước: Tôi may mắn quen thân với nhiều chuyên gia người Việt đang giảng dạy ở những đại học uy tín ở nước ngoài như GS Trần Hữu Dũng, GS Lê Văn Cường, GS Nguyễn Văn Tuấn, TS Nguyễn Đức An… và bạn bè đang là nghiên cứu sinh. Họ đọc giúp đề cương nghiên cứu, hướng dẫn viết đề cương hấp dẫn và thuyết phục.
- Chứng minh được tiềm năng trở thành nhà nghiên cứu tốt và đóng góp cho cộng đồng: Kể cả đơn vị cấp học bổng hay nơi nhận ứng viên nghiên cứu đều quan tâm việc ứng viên đã, đang và sẽ đóng góp gì cho cộng đồng. Đây là những điểm cộng rất lớn khi hội đồng giáo sư xét duyệt hồ sơ của ứng viên.
Tôi may mắn nhiều năm thực hành truyền thông, tham gia giảng dạy đại học và các dự án nghiên cứu, có đóng góp cho cộng đồng bằng các dự án phi lợi nhuận.
- Lợi ích lớn nhất của việc nghiên cứu tiến sĩ ở một trường học thuật hàng đầu của Đức là gì?
- Trước hết, tôi thấy rằng, càng bước đi trên con đường nghiên cứu càng thấy mình nhỏ nhoi. Tri thức là vô tận, càng học càng thấy thứ mình biết chỉ là hạt cát. Ta nhỏ bé và khiêm nhường trong đó.
Thứ hai, tri thức luôn bất định, không luôn đúng. Nó có thể đúng ở thời điểm này nhưng sai ở thời điểm khác. Cái trước gối lên cái sau. Cái sau phủ định và bổ sung cái trước để kho tàng tri thức chuyên ngành dày lên. Vậy nên, cái ta biết 10 năm trước, thậm chí 1-2 năm trước, chưa chắc đã đúng và phù hợp cái của hôm nay.
Thứ ba, văn hoá học thuật ở đây giúp tôi học được sự trân trọng sự khác biệt, khoan dung với “nghịch nhĩ” thay vì phủ nhận sự khác biệt như thường thấy ở một số nơi. Chính sự tranh luận dựa trên việc tôn trọng khác biệt đã làm nảy thêm các tri thức mới, mà nhờ đó làm dày hơn kho tri thức.
Lê Ngọc Sơn hiện là thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau (CHLB Đức).
Trước khi giành học bổng toàn phần nghiên cứu tiến sĩ ngành Khoa học Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Đức, anh có bằng thạc sĩ ngành Quản trị công, khoa Chính phủ, Đại học Uppsala (Thụy Điển), và Cử nhân báo chí, khoa Báo chí Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh có kinh nghiệm làm báo và đạt nhiều giải thưởng.
Anh cũng là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách, là người sáng lập kiêm Chủ tịch Trường đào tạo Truyền thông Ứng dụng IAMS, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam.