Ngày 4/7, đứng ngoài cửa khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội, chị Bùi Thị Xuân (sinh năm 1979, quê xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thẫn thờ chờ đến giờ được vào thăm con gái đang chống chọi với căn bệnh viêm cơ tim.
“Mẹ ơi, con mệt lắm”
Vũ Thị Thương (sinh năm 1999) là con gái đầu lòng của chị Xuân. Em phát hiện bị bệnh cách đây 10 ngày sau thời gian dài sốt triền miên. Sinh ra trong một gia đình thuộc hộ nghèo, bố mẹ chủ yếu làm thuê, từ nhỏ, Thương nuôi ý chí, quyết tâm học hành, mong muốn một tương lai tươi sáng hơn.
Năm 2017, sau nhiều nỗ lực, Thương trúng tuyển Học viện Hành chính Quốc gia với kết quả cao. Ngoài thời gian học, chủ động đi làm thêm, cô bé Sơn La không muốn là gánh nặng của gia đình. Em muốn tự mình bươn trải để bố mẹ yên tâm chăm sóc cậu em nhỏ học lớp 8.
Cuối tháng 6, sau nhiều ngày liên tục sốt li bì, Thương mới biết mình bị bạo bệnh.
Thương là cô gái giỏi giang, thương gia đình. Ảnh: VTC News. |
Nhớ lại những gì diễn ra cách đây 2 tuần, mẹ của Thương không giấu được nỗi lo lắng, bồn chồn. “22h, tôi nhận điện thoại của con gái, giọng nói yếu ớt và bảo mẹ ơi, con mệt lắm, mẹ xuống Hà Nội với con”, chị Xuân kể lại.
Đang trên đường xuống Hà Nội, chị Xuân nhận được cuộc gọi khác từ bạn của con, nói Thương đang ở Bệnh viện 354. Với chị, hôm ấy, đoạn đường từ Sơn La xuống Hà Nội thật dài. Suốt quãng đường, lòng chị nóng như lửa đốt, chỉ mong ngóng được gặp con.
“Tới bệnh viện, tôi thấy con tím hết mắt, môi, bụng phình to. Nhìn con như thế, tôi sững sờ, run hết người. Chẳng biết 'đầu ngang mũi dọc' thế nào, tôi chỉ biết chạy đi kêu cứu bác sĩ”, người mẹ nghẹn ngào và nói có thời điểm gia đình phải chuẩn bị tâm lý khi nghe con được 10%, rồi 20% cơ hội sống.
"Con gái ơi, mẹ xin lỗi!"
Kể về con gái, chị Xuân tự hào: “Ngày trước đi thi ở trường, huyện, con bao giờ cũng đoạt giải nhất, nhì. Từ lớp 1 đến lớp 12, Thương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, năm lớp 12, Thương giành huy chương bạc quốc gia môn Lịch sử”.
Cô gái 20 tuổi phát hiện bạo bệnh sau nhiều ngày sốt không khỏi. Ảnh: Hữu Dánh/VTCNews. |
Người mẹ kể tiếp: "Tôi còn nhớ, Thương đem huy chương về khoe mẹ. Lúc ấy, tôi trêu cháu cầm xuống đường bán được 20.000 đồng mang về. Nghe đến đó, con gái bật khóc. Nhà nghèo quá, nhiều khi chỉ vì mải lo kiếm tiền mà tôi vô tâm với Thương. Tôi biết con rất tủi thân khi không được như bạn bè cùng lứa. Thỉnh thoảng vì áp lực quá nhiều, phải lo toan mệt mỏi, tôi cũng buông lời nặng nề với con”.
Nhìn con phải nằm giữa bao nhiêu dây, ống nối chằng chịt, chưa biết bao giờ mới khỏe, chị Xuân nghẹn ngào: “Giờ tôi chỉ mong cháu tỉnh lại để xin lỗi cháu một câu”.
Chị Xuân kể hồi Thương còn nhỏ thường theo mẹ đi chạy xoài, nhãn. Con một bên sọt, hoa quả một bên sọt. Trông thấy mà thương con quá, chị quyết định đặt tên con là Thương.
“Có những chuyện tôi không muốn con cái biết, để chúng khỏi lo lắng, nghĩ ngợi. Tôi từng không muốn con đi học vì điều kiện khó khăn. Nhưng vì nghĩ bố mẹ ít chữ, tôi chỉ học hết lớp 5 nên cũng cố gắng để con đến trường", chị nói.
Từ ngày Thương đi thi, đỗ đại học, gần như có đồng tiền gom góp nào, gia đình đều dành cho Thương. Giờ em bị bệnh, vợ chồng chị Xuân chạy vạy khắp nơi, vay mượn được hơn 200 triệu đồng đóng viện phí.
“Không có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng tôi đi làm cả đời cũng chưa chắc có thể trả được số tiền này, nhưng giờ cứu con là trên hết”, người mẹ nói.
Bác sĩ Nguyễn Đức Nhật, khoa Hồi sức tích cực, người trực tiếp điều trị cho Thương, nói hiện, chức năng tim của bệnh nhân tạm thời chưa hồi phục, bệnh nhân bị tổn thương gan thận, suy đa tạng. Ngoài hỗ trợ ECMO, bệnh viện hỗ trợ thêm lọc máu, thay huyết tương.
Trong số những bệnh nhân mắc viêm cơ tim, 40%-50% người sẽ không hồi phục, mặc dù điều trị hồi sức tích cực. Những trường hợp đó, nếu bệnh nhân muốn sống sót, thì phải ghép tim. Tuy nhiên, trường hợp của Thương cần thêm thời gian nữa để đánh giá tiếp tình hình.