Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Biến đổi khí hậu: Hãy thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất

Lối sống của mỗi người, nhân lên mấy tỷ lần khắp hành tinh, là lý do làm cho môi trường khí hậu có thể sẽ bị huỷ hoại trong vòng vài ba năm tới.

bien doi khi hau anh 1

Biến đổi khí hậu: Hãy thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất

Lối sống của mỗi người, nhân lên mấy tỷ lần khắp hành tinh, là lý do làm cho môi trường khí hậu có thể sẽ bị huỷ hoại trong vòng vài ba năm tới.

bien doi khi hau anh 2

bien doi khi hau anh 3

Cameron Shingleton

Giảng viên đại học

  • Facebook
  • Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Melbourne. Trong 5 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.

Chúng tôi hay nói Australia không chỉ có bốn mà đến tận năm mùa. Giữa mùa hè có mùa thứ 5 - mùa cháy rừng. Đó là khi nhiệt độ tăng chót vót, nhiều khu vực bị khô và nóng đến mức người ta có cảm giác cả thế gian có thể nổ tung trong khói lửa.

Lúc 8 tuổi, khi đang ngồi học vào một buổi chiều giữa tháng 2 (thời điểm mùa hè của Australia), tôi nhìn ra cửa sổ và thấy một tầng mây màu tím than từ từ bao phủ cả chân trời. Buổi tối hôm đó, nhiều khu vực ngoại ô của Melbourne bị cháy rụi. Tro tàn thổi qua đường phố các quận gần trung tâm như khu dân cư gia đình tôi ở.

Chắc phần lớn người Australia đều đã từng trải qua cảm giác bất an này trong những thập niên về sau: Mùa hè ở Australia càng nóng thì mùa thứ 5 càng kéo dài. Càng có nhiều rủi ro lặp lại những thảm hoạ như tôi đã chứng kiến, trên diện rộng hơn.

Tệ hơn nữa, ở Australia hiện nay những trận cháy rừng không chỉ xảy ra trong 2, 3 tuần giữa mùa hè mà thỉnh thoảng thời tiết mùa xuân và thu cũng đủ nóng, đủ khô để gây ra thảm hoạ.

Và trong một chừng mực nào đó, nhiều người Việt cũng đang có trải nghiệm tương tự trong mùa này.

Mặc dù nổi tiếng chỉ có hai mùa (khô và mưa), dường như Sài Gòn cần thêm một mùa thứ 3 nữa: mùa “cực khô”, bao gồm tháng 3 và tháng 4 khi gần như khoản không gian xanh nào cũng sẽ bị mặt trời nung vàng lên, có thể chớp nhoáng nổ tung trong khói lửa. Nắng chói chang, nóng thất thường.

Còn ở Hà Nội thì có lý do chính đáng để đặt ra một mùa thứ 5 riêng như ở Australia. Mùa “cực nóng" này ở miền Bắc bắt đầu từ tháng 5, mà trước đây thường oi bức nhưng mấy năm gần đây khó chịu và kéo dài lâu hơn. Có những ngày vừa bước ra khỏi cửa thì không khí nóng “táp” thẳng vào mặt.

Ở Việt Nam cũng như ở Australia, người ta không chỉ khó chịu mà còn lo lắng vì nhiệt độ tăng. Ai cũng có cảm giác u ám khi thời tiết nóng hơn khá nhiều so với quá khứ.

Nhưng cảm giác không yên lòng có lẽ không chỉ kết thúc ở đó.

Từ lối sống của mỗi người

Khi kết nối những thông tin về thời tiết hàng ngày và những gì đang diễn ra khắp thế giới, không khó để chúng ta nhận ra một thực tế còn tệ hơn: Khí hậu đang nóng lên; các chỏm băng ở cả hai địa cực đang tan nhanh chóng mặt; mực nước biển vì thế mà đang dâng cao từng giờ một; thiên tai xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Và thật không may, các nhà khoa học đang dự báo là vấn nạn này đang ngày càng trở nên trầm trọng vì con người chúng ta không dừng lại những hành động được coi là tác nhân chính.

Lối sống của mỗi người, nhân lên mấy tỷ lần khắp hành tinh, là lý do làm cho môi trường khí hậu có thể sẽ bị huỷ hoại trong vòng vài ba năm tới.

Lối sống của mỗi người, nhân lên mấy tỷ lần khắp hành tinh, là lý do làm cho môi trường khí hậu có thể sẽ bị huỷ hoại trong vòng vài ba năm tới.

Vấn đề nằm ở những thứ chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Nếu bạn đang ăn nhiều thịt bò, hay dùng nhiều sữa thì bạn đang góp phần nhất định làm mọi chuyện nghiêm trọng hơn. Vì con bò “thải ra" lượng metal rất lớn, và khí này có hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2 gấp 30 lần.

Vấn đề nằm ở cách chúng ta di chuyển. Động cơ phản lực của máy bay tiêu thụ lượng nhiên liệu khổng lồ và thải ra CO2 cùng một số khí nhà kính khác; ở trên cao, chúng có hiệu ứng nhà kính gấp mấy lần so với mặt đất.

Vấn đề nằm ở những thứ chúng ta đang xây dựng, mua bán. Gần như tất cả năng lượng chúng ta cần để sản xuất chúng là quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và thải ra môi trường khí CO2.

Ngay cả cách phản ứng đầu tiên của bạn để tránh hậu quả trực tiếp của trời nóng - cầm remote lên và mở máy lạnh - cũng đã làm cho vấn đề tệ hơn. Máy lạnh tiêu thụ điện gấp 10 lần máy quạt. Điện tiêu thụ là do quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thải khí CO2.

"Vì sao tôi phải lo"?

Có thể nói, trước đây cách phản ứng phổ quát nhất đối với vấn nạn biến đổi khí hậu là phủ nhận. Ở nhiều nước có khí hậu ôn đới, người ta cứ nói: Nếu khí hậu nóng lên thì trong tương lai mùa đông sẽ bớt lạnh; dù sao đi nữa, chuyện chúng ta đã sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch đã đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại.

Còn ở Việt Nam thì người ta có cách phủ nhận vấn nạn này thực tế hơn. Người Việt hay nói: "Tôi phải lo đủ thứ cơm áo gạo tiền. Chuyện khí hậu biến đổi về lâu dài không liên quan đến tôi. Vì sao tôi phải lo"?

Tôi phải lo đủ thứ cơm áo gạo tiền. Chuyện khí hậu biến đổi về lâu dài không liên quan đến tôi. Vì sao tôi phải lo?

Thế nhưng, phương thức này dường như không còn thuyết phục cho lắm, khi ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh mối nguy từ biến đổi khí hậu.

Từ đó, nhiều người chuyển sang “bán phủ nhận”, được phản ánh trong suy nghĩ và hành vi, ở phương Tây lẫn Việt Nam.

Theo đó, chúng ta cứ chấp nhận sự thật về mặt lý thuyết và tiếp tục làm lơ trên thực tế. Chúng ta cứ tiếp tục sống, hưởng thụ cuộc sống như trước, và than vãn thời tiết nóng ngày qua ngày. Cứ như thể không ai biết thời tiết hàng ngày và khí hậu toàn cầu có mối liên kết mật thiết với nhau.

Mà sau một thời gian, giai đoạn “bán phủ nhận" cũng tới giới hạn, đặc biệt là ở những người liên kết trải nghiệm hàng ngày với tình hình tổng quát. Cách phản ứng này thì thấy rõ ràng hơn ở phương Tây: Người ta bắt đầu hiểu rõ chuyện đang diễn ra là tai hoạ chưa có tiền lệ và bắt đầu thấy kinh hoàng.

Và khoa học cho chúng ta đủ cơ sở để kinh hoàng.

Hai từ tiếng Anh hay được dùng để nói về tốc độ và phạm vi của vấn đề ngày nay là “catastrophic" và “runaway". Từ thứ nhất nghĩa là “thảm hoạ"; cái thứ hai nghĩa là “nhanh đến độ không thể ngăn lại được".

Đó nhất định không phải chỉ là cách nói của báo giới. Năm ngoái, tạp chí Nature đăng bản tóm tắt một nghiên cứu quy mô của nhiều nhà khí hậu học. Bài viết đưa ra dự báo năm cụ thể mà khi đó hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ trở nghiêm trọng đến độ khoa học có lý do chính đáng để gọi hiện tượng này là “không thể ngăn ngừa được nữa".

Bạn có biết năm nào không? 2023.

Thậm chí ngay thời điểm hiện tại thì chắc sẽ có nhiều người vẫn nghĩ: Chúng ta gặp rắc rối này chủ yếu là vì giới khoa học-kỹ thuật đã phát minh ra những phương pháp để tạo và tiêu xài năng lượng. Do vậy, chúng ta vẫn có thể nhờ giới khoa học-kỹ thuật tìm ra cách thoát khỏi viễn cảnh thảm hại.

Cách suy nghĩ này cũng chỉ là hoang tưởng. Các nhà khoa học đã khẳng định họ không có chiếc đũa thần nào để xoay chuyển tình thế một khi con người vẫn cứ mãi đáp ứng nhu cầu cá nhân theo kiểu cũ: đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và thải khí CO2.

Chính phủ ở các nước cũng phải chịu trách nhiệm lớn trong hoàn cảnh này vì đã phí hơn hai thập niên không thực hiện nghiêm túc. Và cuối cùng, đó là vì họ đã sai lầm miệt mài cung cấp cho chúng ta những điều chúng ta muốn: muốn ăn, muốn mua, muốn xây dựng. Đó là những cách đã đáp ứng nhu cầu của chúng ta theo kiểu cũ - bằng cách đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và thải khí CO2.

Vô hoạn nạn bất anh hùng

Mà may mắn thay, cũng có giai đoạn “phía sau sự phủ nhận". Khi đó, chúng ta sẽ phải đương đầu một cách chân thật và trực diện với vấn đề. Chúng ta phải thừa nhận sự thật phũ phàng là khí hậu đang chết đi; chính chúng ta đã và đang giết nó. Hoảng loạn xong thì phải bình tĩnh để giải quyết.

Tiếng Việt có một câu thật sâu sắc: vô hoạn nạn bất anh hùng. Hoạn nạn đã đến và chuyện đáng mừng là anh hùng đã và đang tới. Họ xuất hiện trên toàn thế giới.

Họ có thể đã lớn tuổi hoặc vẫn còn rất trẻ, có tên là David Attenborough (93 tuổi) và Greta Thunberg (16 tuổi). Người đầu tiên làm phim tài liệu về thế giới tự nhiên gần 70 năm. Người thứ hai đang đứng đầu một phong trào kết nối những học sinh nhận ra mình sẽ phải sống cả cuộc đời còn lại dưới sự u ám của biến đổi khí hậu.

Chúng ta phải thừa nhận sự thật phũ phàng là khí hậu đang chết đi; chính chúng ta đã và đang giết nó. Hoảng loạn xong thì phải bình tĩnh để giải quyết.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều những người hùng vô danh khác nữa.

Đó là những nhà khí hậu học đã loay hoay hơn 20 năm để giúp chúng ta hiểu ra về mối nguy có thật của biến đổi khí hậu.

Hoặc đó cũng có thể là những nông dân Australia và Việt Nam đã đưa ra cảnh báo: Nếu chúng ta không thay đổi cách canh tác đất thì khả năng cao là đất sẽ nứt nẻ hay bị nước mặn tràn ngập đến mức không thể canh tác nữa. Họ đứng ra, nói lên điều đó, và tuyên bố: Tôi sẽ làm kiểu khác.

Đúng là chúng ta đang cần đến nhiều anh hùng như David Attenborough và Greta Thunberg cũng như những nhà khí hậu học tài giỏi, những nông dân có ý thức.

Thế nhưng, phần lớn chúng ta không phải anh hùng. Và cái chúng ta rất cần là những người bình thường đối mặt trực diện với vấn nạn biến đổi khí hậu. Chúng ta cần những người như bạn - cũng như gia đình và bạn bè của bạn - từ bỏ những tiêu chuẩn kép, không chấp nhận lý thuyết nhưng lại làm ngơ trên thực tế.

Chúng ta cần nhiều người nhận ra vấn đề và chịu trách nhiệm về hàng loạt quyết định cá nhân - về những gì chúng ta mua, thức ăn chúng ta tiêu thụ, cách chúng ta di chuyển.

Chúng ta cần cùng suy nghĩ về một câu hỏi cấp bách: Làm thế nào xã hội có thể tạo ra năng lượng mà không thải ra khối lượng CO2 khổng lồ?

Chúng ta cần những người biết hoảng sợ một cách chân thật, tự hỏi tại sao mình bị đau nửa đầu vì “thời tiết". Rồi sau đó đối phó với nỗi sợ một cách lý trí, chín chắn, bình tĩnh.

Và chúng ta cần những điều này vì 2023 đang đến rất gần.

Khoa học đã chứng minh Australia và Việt Nam đều có hệ khí hậu dễ bị tác động nhất. Mùa cực nóng ngày càng kéo dài là minh chứng không thể chối cãi của tác động từ biến đổi khí hậu.

Cameron Shingleton

Illustration: Như Ý

Bạn có thể quan tâm