Bác sĩ Nguyễn Văn Thuyết, bác sĩ chuyên khoa 1, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, quận Phú Lợi, tỉnh Bình Dương, cho biết trên 80% F0 khỏi bệnh có thể xuất hiện tình trạng hậu Covid-19.
Trong đó, mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân. Triệu chứng này xuất hiện cả lúc mắc Covid-19 và sau khi khỏi.
Bệnh có thể bắt nguồn từ tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19 với các biểu hiện như mệt mỏi, mất sức, đau đầu, suy giảm trí nhớ, ho, cơ thể bồn chồn, lo lắng, nhịp tim không ổn định dẫn đến mất ngủ, khó ngủ.
Bên cạnh đó, Covid-19 là bệnh nhiễm trùng hệ thống, khi mắc hoặc sau khi khỏi, độc tố của virus vẫn tồn tại trong nhiều cơ quan. Cơ thể còn yếu, sức đề kháng chưa được phục hồi cộng thêm sự giảm sút về tâm lý người bệnh, stress kéo dài cũng dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
Mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân. Ảnh: Nypost. |
Theo Sổ tay phục hồi sau Covid-19 của Bộ môn Kỹ thuật phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP.HCM, để cải thiện tình trạng mất ngủ, việc thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày rất quan trọng. Thời điểm thức dậy là chìa khóa điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể.
- Hãy tìm đến nguồn sáng ngay khi thức dậy: Đây là yếu tố điều hòa nhịp thức ngủ mạnh nhất.
- Hạn chế thiết bị điện tử 1-2 giờ trước khi ngủ: Ánh sáng xanh sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Tránh thức khuya, ngủ bù: Khi ngủ ít hơn, cơ thể có xu hướng ngủ bù vào thời điểm không phù hợp với đồng hồ sinh học. Bạn nên tránh thói quen này.
- Tập thể dục vào cùng một thời điểm mỗi ngày: Tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Tránh tập thể dục mạnh trước khi đi ngủ 2-3 giờ.
- Hãy thức dậy vào cùng thời điểm mỗi ngày nếu bạn có một đêm không ngon giấc: Bạn không nên ngủ nướng; cố gắng ngủ sớm hơn vào đêm hôm sau; không ép mình đi vào giấc ngủ.
- Thư giãn tinh thần 1-2 giờ trước khi ngủ: Bạn có thể thiền, đọc sách...
- Tránh uống rượu, cà phê, thuốc lá...