Khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào hôm 6/9, Yagi - cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua - đã làm rung chuyển các tòa nhà, cây cối đổ gãy và nhiều thiệt hại khác nhau về cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không dân dụng.
Siêu bão khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 92 người khác bị thương, Tân Hoa Xã đưa tin. Con số thiệt hại về người đã cho thấy công tác chuẩn bị, ứng phó bão của hòn đảo được mệnh danh "Hawaii của Trung Quốc", trong đó ưu tiên tính mạng người dân lên trên hết, phần nào phát huy hiệu quả.
Gấp rút phóng chống bão
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết Yagi đã mạnh lên thành siêu bão khi di chuyển về phía tây qua Biển Đông, mang theo sức gió lên tới 209 km/giờ khi hướng đến Hải Nam.
Theo cơ quan quản lý thiên tai của tỉnh, Hải Nam đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với bão Yagi lên mức cao nhất vào lúc 11h30 phút sáng 5/9 (tức một ngày trước khi cơn bão đổ bộ).
Người dân làng Beigang ở thành phố Hải Khẩu được di dời theo từng đợt vào trưa 5/9. Ảnh: China Daily. |
Trưa cùng ngày, các công ty, trường học, địa điểm du lịch và giao thông địa phương cùng các hoạt động không thiết yếu tại Hải Khẩu, thủ phủ của Hải Nam, đã bị đình chỉ. Sân bay tại Hải Khẩu cũng đóng cửa cho đến ngày 7/9.
Chính quyền yêu cầu hủy các chuyến bay và phà, đóng cửa các doanh nghiệp và yêu cầu hơn 10 triệu người dân không ra ngoài.
Trước cơn bão, hơn 410.000 người dân ở Hải Nam và 670.000 người ở tỉnh Quảng Đông đã được đưa đi sơ tán kịp thời. "Chỉ thị không thay đổi. Kiên quyết đặt nhân dân lên hàng đầu, đặt sinh mạng lên hàng đầu", tờ Hainan Daily viết.
Từ ngày 4-9 đến sáng 5-9, Cơ quan phát triển nhà ở Hải Khẩu đã kiểm tra mức độ an toàn phòng chống gió và lũ lụt đối với 188 dự án đang xây dựng. Nông dân địa phương cũng tìm cách bảo vệ cây trồng trước khi bão đổ bộ.
Tại thị trấn Phùng Pha, có tổng 23 điểm tránh trú bão được lập ra để người dân ở các khu vực nguy hiểm đến tránh bão kịp thời trong trưa 5/9. Cán bộ đến từng hộ dân để kiểm tra an toàn, sơ tán người dân đến nơi tập trung. Tại đây, thực phẩm và nước uống, thuốc men được chuẩn bị đầy đủ.
Khắc phục hậu quả nhanh chóng
Siêu bão Yagi đã tàn phá đảo Hải Nam, mọi khu vực trên đảo đều bị thiệt hại ít nhiều sau khi cơn bão đi qua.
Theo Tân Hoa Xã, tổn thất về cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường bộ, hàng không dân dụng và các dự án giao thông trên khắp Hải Nam đã lên tới tổng cộng 728 triệu nhân dân tệ (khoảng 102,6 triệu USD).
Công tác khắc phục hậu quả sau bão được gấp rút tiến hành trên toàn Hải Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
26 tuyến đường chính quốc gia và tỉnh cùng 103 tuyến đường cao tốc khác, tổng chiều dài hơn 400 km, đã bị hư hại. Các nhà ga và thiết bị hành khách đường thủy đã bị hư hại nghiêm trọng, trong khi các sân bay và các dự án xây dựng liên quan quan trọng đang triển khai cũng bị tổn thất.
Tính đến 17h chiều 7/9, Hải Khẩu đã sơ tán khoảng 105.500 cư dân do cơn bão, hơn 400 ngôi nhà đã bị sập và hơn 32.000 ngôi nhà bị hư hại. Hơn 167.800 cây trong thành phố đã bị bật gốc và 56.742 ha cây trồng bị ảnh hưởng, gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 26,3 tỷ nhân dân tệ.
Tại thành phố Văn Xương, 792 trạm cơ sở truyền thông bị thiệt hại, 82,3% khu vực bị ảnh hưởng. Trong số 11 nhà máy nước trong khu vực, 8 nhà máy đã buộc phải ngừng hoạt động do thiếu điện.
Ngay sau khi gió và mưa giảm, Hải Nam đã hạ cấp cảnh báo bão và gấp rút tiến hành khắc phục hậu quả của bão trên toàn tỉnh, sớm đưa các hoạt động về trạng thái bình thường.
Hơn 2.200 công nhân đã được huy động để khôi phục điện cho hơn 1,5 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đến 7h sáng 7/9, hơn 20% số hộ gia đình bị ảnh hưởng đã được kết nối lại với lưới điện.
Việc sửa chữa đường sá cũng đang được tiến hành, với 51 trong số 89 tuyến đường chính bị chặn đã được giải tỏa.
Dịch vụ đường sắt cao tốc vòng quanh đảo hoạt động trở lại vào chiều 7/9. Dịch vụ phà ở eo biển Qiongzhou dự kiến hoạt động trở lại vào tối 8/9.
Sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu sẽ tạm thời đóng cửa cho đến trưa 8/9 do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, trong khi Sân bay quốc tế Phượng Hoàng Tam Á tại thành phố du lịch nổi tiếng Tam Á bắt đầu dần khôi phục các dịch vụ bay lúc 10h sáng 7/9.
Trong khi đó, các đội cứu hộ đang chạy đua để khôi phục lại thông tin liên lạc vì hơn 12.500 trạm gốc đã bị hư hại trên toàn tỉnh, trong đó thành phố Văn Xương chịu thiệt hại nặng nề nhất về cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Sau khi cơn bão quét qua, chính quyền đã ban hành cảnh báo lũ lụt khi mực nước ở một số con sông tiếp tục dâng cao. Sáng 7/9, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã ban hành lại cảnh báo đỏ - mức cảnh báo cao nhất - đối với Yagi. Dự kiến sẽ có mưa lớn ở một số khu vực của Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam đến chiều 8/9.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.