Trưa 7/9, chỉ còn cách vài giờ trước khi siêu bão Yagi đổ bộ vào sâu đất liền trong đó có khu vực Hà Nội, vợ chồng chị Phương Anh (quận Thanh Xuân) tất bật đón tiếp những vị khách lạ.
Ít giờ trước, chị Phương Anh đăng thông báo trên mạng xã hội, cho biết chị có một căn chung cư để trống trên đường Nguyễn Tuân, sẵn sàng cho người vô gia cư, người khó khăn hoặc đang ở trọ, nhà cửa không chắc chắn đến trú nhờ trong vài ngày, đến khi cơn bão qua đi.
"Vợ chồng tôi sinh sống tại căn chung cư ở tầng 6, căn để trống ở cùng tòa, tầng 32. Dù không có sẵn giường nhưng các phòng sạch sẽ, chỉ cần trải chiếu, nệm là có thể ngủ tạm được", chị Phương Anh chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Vì có siêu thị ở tầng 1 chung cư, vợ chồng chị sẽ hỗ trợ mua thêm đồ ăn, thức uống để mọi người sử dụng.
Căn chung cư để trống của vợ chồng Phương Anh được tận dụng cho người lạ tá túc. |
Tính đến 13h, căn hộ của vợ chồng chị đã đón 5 người tới tá túc, trong đó có 2 nam sinh viên bị gió thổi vỡ cửa kính nhà trọ.
"Một bạn nữ vừa gọi nói đang bị kẹt ở đường Khuất Duy Tiến, tôi vừa gọi giúp một chiếc taxi qua đón", chị thông tin thêm. Vì căn hộ trống, không đồ đạc, chị Phương Anh cho biết nơi này có thể đủ cho 10-20 người trú tạm. Trong chiều 7/9, vợ chồng chị sẽ gia cố thêm cửa kính để đảm bảo an toàn.
Cùng lúc đó, chị Hồng Vinh (huyện Đan Phượng) cũng gấp rút công tác đón tiếp người tới trú tạm trong cơn bão. Từ chiều 6/9, khi nghe tin về độ nguy hiểm của cơn bão, chị đã đăng thông tin về việc đón người đến ở tạm trên trang cá nhân.
"Nhà tôi xây dựng kiểu biệt thự, có 5-6 phòng rộng rãi, gia đình tôi ở không hết nên luôn sẵn lòng đón người cần kíp trú tạm. Mọi người chỉ cần đem theo manh chiếu, hay trải tấm đệm nhỏ là ngủ được thoải mái. Thức ăn nhà tôi cũng sẵn có, không quá nhiều nhưng chắc đủ cùng mọi người sẻ chia trong một vài ngày", chị cho hay.
Khi Tri Thức - Znews liên hệ vào khoảng 14h, chồng chị Vinh đang khẩn trương đi đón một người ở gần đó tới tá túc trước khi giông bão mạnh hơn.
Chị Vinh sẵn sàng đón người khó khăn đến ở nhờ. |
"Nhà tôi không tự tin quá vững chãi hay có thể bất chấp gió bão, nhưng ít nhất sẽ kiên cố hơn so với những căn nhà mái tôn hay nhà trọ sơ sài, mọi người có thể an tâm lánh tạm", chị chia sẻ.
Trong khi đó, chị Thương (quận Ba Đình) nhờ mọi người lan tỏa thông tin chị có căn nhà trống ở đường Đội Cấn, luôn sẵn sàng cho người vô gia cư, người có nhà không kiên cố đến ở tạm. Chị cũng sẵn sàng hỗ trợ mọi người cả đồ ăn, nước uống hay đồ dùng thiết yếu nếu cần.
"Chỉ còn vài tiếng nữa thôi là bão vào sâu trong đất liền rồi. Rất mong sự chia sẻ của mọi người để những người gặp khó khăn có thể đến nơi an toàn", chị viết.
Người dân tương trợ nhau
Yagi là cơn bão có cường độ mạnh nhất được ghi nhận hoạt động trên biển Đông trong nhiều năm qua. Trước sức tàn phá khủng khiếp của giông bão, mạng xã hội càng lan tỏa nhiều câu chuyện ấm lòng về những người dân giúp đỡ nhau.
Trong sáng 7/9, Phạm Thưởng (Hà Nội) nhận vận chuyển một đơn hàng bằng xe máy từ Hà Nội về Hưng Yên. Khoảng 10h30, khi đến đoạn cầu Thanh Trì, gió rất lớn, Thưởng vẫn cố gắng đi qua vì nghĩ rằng xe chở hàng nặng sẽ không chòng chành.
Trí (áo xanh) và nam thanh niên giúp đỡ người thu gom phế liệu. Ảnh cắt từ clip. |
Tuy nhiên đến đoạn giữa cầu, gió càng thổi mạnh, xe Thưởng bị chao đảo, khó cầm lái. Thêm áo mưa bị gió quật, anh khó nhìn đường, phải dừng lại để đợi ngớt gió.
Đúng lúc đó, một chiếc xe tải đi ngang qua, tài xế thấy cảnh chật vật đã ra hiệu cho Thưởng tiến gần lại để xe tải giúp cản gió đưa qua cầu.
"Nếu không có tài xế xe tải giúp đỡ, tôi không biết phải làm sao. Trước đó, có một số xe hơi khác nhưng họ cũng chỉ đi qua, không dừng lại. Nhờ vị tài xế tốt bụng, tôi đã an toàn về đến nhà", Thưởng chia sẻ.
Hay như trong cơn dông chiều 6/9, Nguyễn Anh Trí (quận Đống Đa) phát hiện một phụ nữ nhặt ve chai loay hoay, không thể buộc đồ trên xe vì mưa, gió quật mạnh. Anh nhanh chóng chạy xuống từ nhà trọ để hỗ trợ.
"Lúc đó khoảng 15h, 16h, cửa sổ phòng tôi rung bần bật vì gió. Khi ngó ra ngoài, tôi thấy một cô lớn tuổi xe đạp bị tuột xích, trên xe lại lỉnh kỉnh đồ nên không nghĩ nhiều mà chạy ra giúp cho nhanh", Trí kể.
Sau một hồi được Trí hỗ trợ, người phụ nữ vẫn chưa thể chằng xong đồ. Lúc này, một nam thanh niên khác cũng chạy tới giúp sức, nhờ đó tiến độ được đẩy nhanh. Sau ít phút, người phụ nữ thuận lợi đạp xe về, không quên gửi lời cảm ơn hai chàng trai lạ. Cảnh tượng được em trai Trí ở trên phòng ghi lại, nhận hàng chục nghìn lượt thích trên mạng xã hội.
"Chúng tôi cũng thấy ấm lòng khi có thể tương trợ được phần nào khi gặp người khó khăn. Hy vọng trong cơn bão lịch sử này, mọi người cũng đều đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua". Trí bày tỏ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.