BSCK II Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho hay mỗi người hiến máu có thể cho 1-4 người nhận, kèm theo đó là nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C.
Theo số liệu năm 2015, trong số 1,1 triệu lượt hiến máu toàn phần cả nước, 0,11% người có máu nhiễm HIV, 0,58% có nhiễm viêm gan C, 4,4% nhiễm viêm gan C. Do đó, xét nghiệm sàng lọc máu là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa lây nhiễm trong bối cảnh việc cho - nhận máu vẫn luôn là hoạt động cần thiết và nhân đạo.
Để khắc phục điều này, từ cuối năm 2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã trở thành đơn vị đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật NAT.
Máu được tiếp nhận đến khi truyền cho bệnh nhân cần trải qua một quá trình dài với nhiều khâu sàng lọc, chiết tách. Ảnh: Việt Hùng. |
Giải thích về kỹ thuật này, Viện trưởng Nguyễn Anh Trí cho hay NAT là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất, được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc virus HBV (viêm gan B), HCV (viêm gan C), HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus. Kỹ thuật này giúp bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu chất lượng kịp thời.
Theo đó, thời điểm xét nghiệm NAT có thể phát hiện virus HIV rút ngắn 10 ngày, với HBV sớm hơn 25 ngày, với HCV sớm hơn 60 ngày so với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học đang được ứng dụng tại các cơ sở y tế hiện nay.
Vẫn theo GS Trí, mỗi ngày, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cung cấp khoảng 1.000 đơn vị máu cho 150 bệnh viện thuộc 18 tỉnh thành trên cả nước.
Trong đó, ngoài việc xét nghiệm sàng lọc cho 100% đơn vị máu bằng kỹ thuật huyết thanh học phát hiện nhiễm virus HBV, HCV, HIV, giang mai, sốt rét, bệnh viện đã bước đầu thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật NAT cho 417.893/1.160.726 mẫu máu, đạt tỷ lệ 36%, tổng số máu tiếp nhận và sử dụng, phát hiện được 442 mẫu nhiễm bệnh.
Ước tính xét nghiệm NAT có thể phát hiện được mẫu nhiễm HBV là 1/1.184 mẫu, HCV là 1/37.990 mẫu, với HIV là 1/83.579 mẫu đã có xét nghiệm huyết thanh học âm tính trước đó.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, truyền máu là một trong 3 yếu tố đánh giá sự phát triển y tế của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, dự kiến cả nước tiếp nhận khoảng 1,3 triệu đơn vị máu vào năm 2016 và đạt 1,8 triệu đơn vị máu vào năm 2020. Do vậy việc bảo đảm an toàn truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần đạt được mục tiêu này.