Đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc nguồn bệnh trong môi trường nguy cơ cao, Minh Tâm (27 tuổi, TP.HCM) vẫn xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 suốt thời gian TP.HCM giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, chị bất ngờ trở thành F0 khi biến chủng Omicron chiếm ưu thế ở TP.HCM.
Bình an suốt đợt dịch có chủng Delta
Từ tháng 6/2021, khi TP.HCM bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta, Minh Tâm cùng phóng viên ảnh tình nguyện xung phong vào các điểm nóng để ghi nhận câu chuyện chống dịch của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu.
Suốt thời gian này, những vùng phong tỏa khi có ca nhiễm, khu điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, các bệnh viện dã chiến và trung tâm hồi sức Covid-19... nơi có nồng độ virus cao, Minh Tâm đều có mặt.
"Nhiều lần sau khi từ các bệnh viện về nhà, tôi bị đau họng và mệt, cứ ngỡ đã bị lây nhiễm, vậy mà suốt nhiều tháng, tôi vẫn âm tính với SARS-CoV-2", Tâm cho biết.
Chị kể lại tình huống tác nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Đức. Một bệnh nhân chuyển nặng được bác sĩ đặt nội khí quản, nồng độ virus dường như đậm đặc trong phòng bệnh nhỏ hẹp do người bệnh ho nhiều.
Minh Tâm tác nghiệp tại bệnh viện điều trị Covid-19 trong đợt bùng phát dịch hồi tháng 8/2021 ở TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Thời điểm đó, tôi mải mê tác nghiệp với khoảng cách rất gần bệnh nhân. Hôm sau tôi có cảm giác rất mệt, đến bệnh viện xét nghiệm ngay, không ngờ vẫn âm tính", Minh Tâm kể lại.
Sau nhiều tháng tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm nhưng chị và một số đồng nghiệp vẫn an toàn. Đó là điều chị cảm thấy may mắn khi trải qua những ngày thành phố căng thẳng vì dịch bệnh.
Cứ ngỡ rằng bản thân an toàn hoặc có kháng thể đặc biệt tránh lây nhiễm, Tâm bất ngờ trở thành F0 dù không rõ bản thân tiếp xúc với nguồn lây nào.
"Tôi chỉ có triệu chứng nghẹt mũi nhẹ, không ngờ test nhanh lên 2 vạch. Lúc đó, tôi khá sốc vì tự nhiên lại thành F0", chị chia sẻ.
Thanh Nhiên (32 tuổi, làm dịch vụ du lịch tại Nha Trang, Khánh Hòa) cũng bất ngờ khi mắc Covid-19 sau gần chục lần là F1.
"Cứ ngỡ qua đợt dịch trước là bản thân đã an toàn, không ngờ khi mọi thứ dần đi vào quỹ đạo, công việc ổn định trở lại thì tôi mắc bệnh", chị kể.
Nguyên nhân
Dù bất ngờ khi trở thành F0, Minh Tâm và Thanh Nhiên đều có triệu chứng rất nhẹ. Chưa đến một tuần cách ly tại nhà, Tâm và Nhiên đều âm tính.
"Cảm giác sốc sẽ nhanh chóng qua khi chúng ta nghĩ nhiều hơn về những điều tích cực. Hiện tại, chúng ta có 3 mũi vaccine, TP.HCM trở về trạng thái bình thường mới, y tế cũng không còn quá tải và lúng túng như giai đoạn trước. Do đó, F0 được chăm sóc tốt hơn", Minh Tâm chia sẻ.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phân tích về cơ chế bệnh sinh, SARS-CoV-2 lây truyền qua các giọt bắn đường hô hấp từ người này sang người khác.
Khi vào trong cơ thể, gai S (protein S) của virus sẽ bám dính với các thụ thể ACE2 trên bề mặt của tế bào niêm mạc đường hô hấp trên và xâm nhập vào tế bào thông qua quá trình hợp nhất màng.
Sau khi hợp nhất sau màng, virus xâm nhập vào tế bào và phóng thích đoạn RNA để thực hiện quá trình sao chép và tạo ra nhiều virus mới. Các virus mới được sinh ra sẽ thoát màng và khởi đầu cho vòng đời mới, cứ như thế chúng xâm nhập sâu và rộng vào cơ thể vật chủ.
"Biến chủng Omicron có đặc tính dễ lây lan do bám chặt vào niêm mạc hơn so với các chủng trước. Hiểu theo nghĩa đơn giản, Omicron có nhiều gai hơn nên chúng bám chặt vào tế bào niêm mạc", TS Hùng lý giải.
Gần như tất cả tế bào trong cơ thể người đều có thụ thể ACE2. Tuy nhiên, cơ quan có các tế bào mang thụ thể này nhiều nhất phải kể đến là phổi, mạch máu, tim kế tiếp là thận, ruột...
Quá trình xâm nhập và phát triển của virus trong cơ thể gây chết hàng loạt tế bào vật chủ dẫn tới những tổn thương nội mô nghiêm trọng.
"Điều may mắn là khi vào cơ thể, Omicron nhân lên chậm hơn, do đó, chúng ít có khả năng gây bệnh nặng", ông nói thêm.
TS.BS Lê Quốc Hùng cũng nhấn mạnh cho đến nay, ngoài 5K, các biện pháp súc họng, rửa mũi vẫn có vai trò hiệu quả như "chốt chặn" ngăn virus xâm nhập.
Biến thể Omicron (B.1.1.529) lần đầu được Nam Phi báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/11/2021.
Omicron hiện là chủng lây lan mạnh trên toàn cầu, chiếm đa số trong các giải trình tự gene được báo cáo cho GISAID. Đặc biệt, dòng phụ BA.2 có tốc độ lây nhiễm cao hơn, đã xuất hiện ít nhất 69 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Biến chủng này lẩn tránh các kháng thể trong máu của người đã được tiêm vaccine Covid-19 và kháng thể ở người đã nhiễm chủng SARS-CoV-2 trước đó như Delta, Alpha...
Theo Bộ Y tế, Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần chủng Delta.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, biến chủng Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện. Trong đó, dòng phụ BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện Omicron. Tại TPHCM, tỷ lệ phát hiện BA.2 là 64%.
Dòng phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.