Sáng 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Trần Văn Thuấn đã đến thị sát các khu nhà trọ công nhân, cách ly tại Bình Dương. Bên lề cuộc thị sát, Thứ trưởng Sơn đã có những nhận định và phương hướng đề xuất chống dịch cho địa phương này.
Nguy cơ tăng nhiều ca mắc mới tại các khu công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định địa phương này hiện ghi nhận số lượng ca mắc chưa quá lớn, khoảng gần 150 ca. Tuy nhiên, trong thời gian tới, từ kinh nghiệm ở các địa phương khác, ông Sơn cảnh báo tình hình dịch có thể rất phức tạp, khó lường. Số lượng ca mắc tại Bình Dương nếu không có các biện pháp ngăn chặn, khả năng sẽ tăng lên trong những ngày tới.
Đặc biệt, Bình Dương là khu công nghiệp rất lớn, có gần 1,2 triệu công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc chủ động phòng, chống, thực hiện các biện pháp phòng dịch, không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt ở cơ sở nhà máy, kinh doanh sản xuất là rất quan trọng.
"Đây là điều chúng tôi nhận thấy qua quá trình thăm một cơ sở nhà trọ và khu cách ly. Địa bàn thành phố Thuận An đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây là chỉ thị nghiêm ngặt trong tất cả sinh hoạt của cộng đồng, người cách ly người, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố...", ông Sơn nói thêm.
Thứ trưởng cũng cho biết sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Bình Dương để tiếp tục siết chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, việc đảm bảo sử dụng chiến lược, chiến thuật về xét nghiệm rất cần thiết để có thể kiểm soát được tại các khu nhà trọ, đông công nhân trong điều kiện sinh hoạt khó khăn trên địa bàn thành phố Thuận An.
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bình Dương sáng 23/6. Ảnh: Bích Huệ. |
Tăng cường vaccine và năng lực xét nghiệm
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết tỉnh Bình Dương cần tăng cường năng lực xét nghiệm để có thể bên cạnh sàng lọc, truy vết thần tốc và sử dụng các công nghệ thông tin phục vụ công tác truy vết. "Bình Dương cần chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly mới đảm bảo tiêu chuẩn an toàn", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tổ chức các đoàn kiểm soát đơn vị kinh doanh sản xuất đủ đảm bảo điều kiện an toàn trong quy trình sản xuất, cũng được lãnh đạo Bộ Y tế nêu ra. Ông Sơn tham vấn tỉnh Bình Dương nên thành lập tổ Covid-19 trong cộng đồng, nhà máy, phân xưởng để thường xuyên rà soát, phát hiện trường hợp nghi ngờ, báo ngay cho cơ quan y tế. Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo Bình Dương phải chuẩn bị cơ số test kháng nguyên nhanh để phục vụ cho công tác sàng lọc ngay lập tức với những điểm nghi ngờ có dịch tễ.
Thứ 2, với xét nghiệm khẳng định rRT-PCR, bộ cũng sẽ kiến nghị phải tăng cường thêm khoảng từ 10.000 đến 20.000 và có thể phải chuẩn bị đến 30.000 xét nghiệm mẫu đơn. Như vậy, tỉnh có thể xét nghiệm được khoảng 50.000-300.000 mẫu gộp.
Bình Dương sẽ được xem xét cấp vaccine Covid-19 để tiêm cho công nhân như TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Bên cạnh đó, từ 21/6, Bộ Y tế và đơn vị thường trực đặc biệt tại TP.HCM đã tổ chức, huấn luyện, tập huấn cho 60 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong 3 ngày, Bộ phận thường trực đã tổ chức huấn luyện cho 100 đội ở TP.HCM, 60 đội cho Bình Dương. Ngày 22/6, bộ tập huấn cho 20 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam từ Ninh Thuận trở vào về công tác đảm bảo an toàn cho các cơ sở kinh doanh tại đây.
Về vaccine Covid-19, ông Sơn thông tin: "Cũng như TP.HCM, chúng ta phải chuẩn bị một cơ số vaccine để đảm bảo an toàn cho công nhân tham gia vào sản xuất và giữ gìn sức khỏe, phục vụ cho các hoạt động sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội là rất cần thiết".
Khi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ kiến nghị tập trung, tăng cường số lượng vaccine cho tỉnh Bình Dương, cũng phải tổ chức chiến dịch giống TP.HCM. "Thành phố đang tiêm cho khoảng 800.000 người, trong đó có khoảng 500.000 công nhân tại các khu công nghiệp. Chúng tôi cũng có kiến nghị tương tự cho tỉnh Bình Dương và một số tỉnh như Đồng Nai, Long An…", Thứ trưởng Sơn nói.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã trao tặng tỉnh Bình Dương 10.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm rRT-PCR và 300.000 khẩu trang y tế.
Sau Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM, Bình Dương là địa phương tiếp theo có những diễn biến dịch bệnh phức tạp khi liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trong vòng hơn 10 ngày qua.
Đến nay, Bình Dương có tổng cộng 164 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng và các công ty, cơ sở sản xuất, rải rác ở các địa bàn như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên. Hầu hết chuỗi lây nhiễm này chủ yếu liên quan các ổ dịch tại TP.HCM với biến chủng virus Delta. Đặc biệt, từ ngày 14/6 đến nay, dịch bệnh xảy ra tại nhiều công ty, nhà máy đan xen với khu nhà trọ công nhân và lây lan rất nhanh.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.