Nhà máy sản xuất mới được BMW Brilliance Automotive đặt tên Lydia, nằm tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, thuộc khu vực đông bắc của Trung Quốc.
Với tổng mức đầu tư khoảng 2,24 tỷ USD, đây là khoản tiền lớn nhất mà một doanh nghiệp nước ngoài rót vào Trung Quốc trong vòng 19 năm qua.
Lydia là nhà máy ôtô thứ ba của BMW tại Trung Quốc, mang theo sứ mệnh sản xuất ôtô điện chạy pin cho thị trường tỷ dân. Đây cũng sẽ là nơi xuất xưởng mẫu sedan điện thể thao BMW i3 được thiết kế riêng cho khách hàng tại quốc gia này.
Toàn cảnh nhà máy Lydia của BMW tại thành phố Thẩm Dương. Ảnh: BMW. |
Sự ra đời của Lydia sẽ giúp nâng sản lượng hàng năm của liên doanh BMW Brilliance tại Thẩm Dương từ 700.000 xe ở thời điểm 2021 lên đến 830.000 chiếc trong năm 2022.
Jochen Goller, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BMW Trung Quốc kỳ vọng Lydia có thể được chuyển đổi để sản xuất hoàn toàn xe điện dựa trên nhu cầu thị trường nhờ tính linh hoạt của dây chuyền mà nhà máy này sở hữu.
Nhà máy Lydia có tổng mức đầu tư lên đến 2,24 tỷ USD. Ảnh: BMW |
Theo ông Jochen Goller, Lydia sẽ kết hợp cùng nhà máy Dadong mới được nâng cấp để đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình điện khí hóa ngành công nghiệp ôtô tại Trung Quốc.
Kể từ năm 2010, BMW Brilliance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Thẩm Dương để xây dựng một hệ thống tích hợp đầy đủ quy trình nghiên cứu, phát triển cũng như sản xuất xe, biến nơi đây trở thành nhà máy BMW có quy mô lớn nhất trên toàn thế giới.
Theo số liệu được công bố bởi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), đã có hơn 3,5 triệu xe sử dụng năng lượng tái tạo được bán ra ở Trung Quốc, qua đó thiết lập một kỷ lục trên quy mô toàn cầu.
BMW nỗ lực gia nhập đường đua xe điện tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: BMW |
Các chuyên gia đánh giá nhà máy Lydia là nỗ lực mạnh mẽ của BMW nhằm chen chân vào thị trường xe điện đang bùng nổ tại Trung Quốc, nơi Tesla cùng với thương hiệu nội địa BYD đang là những cái tên dẫn đầu.
BMW đặt kế hoạch xuất xưởng hơn 600.000 động cơ điện từ các nhà máy mỗi năm, trong khi vẫn duy trì dây chuyền sản xuất động cơ diesel và xăng. Hãng cũng lên kế hoạch điều chuyển một nửa trong số 4.400 nhân viên sang mảng xe điện vào năm 2030.
Tại thị trường châu Âu, BMW mới đây cũng vừa tuyên bố sẽ chi gần 1,05 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm phục vụ mục đích chuyển đổi nhà máy tại Steyr, Áo thành một trung tâm sản xuất và phát triển các động cơ điện thế hệ tiếp theo.