Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bộ Công an: Chưa có xe vẫn được đấu giá biển số

Theo đề xuất của Bộ Công an, người chưa có xe vẫn có thể đấu giá biển số. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, họ phải đăng ký biển số đó với một phương tiện cụ thể trong 3-5 ngày.

Dau gia bien so xe anh 1

Với nhiều điểm mới liên quan đấu giá biển số và thẩm quyền xử lý của CSGT, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Bộ Công an vừa trình trước Quốc hội nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Ai được quyền đấu giá biển số? Và vì sao CSGT là lực lượng duy nhất được dừng xe xử lý vi phạm... là những nội dung được đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, chia sẻ với Zing.

Đấu giá trực tuyến biển số xe

- Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định thêm hình thức đấu giá để cung cấp biển số xe. Xin ông cho biết quy định về đấu giá biển số sẽ được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đưa vào 2 hình thức cấp biển số xe là đấu giá và cấp biển ngẫu nhiên.

Chúng tôi dự kiến chia kho số thành 5 nhóm để đấu giá, gồm: Biển có 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số cuối giống nhau, 3 chữ số giống nhau, biển có số sau lớn hơn số trước và biển do người dân tự chọn ngoài 4 nhóm trên.

Quan điểm là không có biển số đẹp, đẹp hay không là do nhu cầu của từng người. Biển sẽ được phân chia thành các nhóm như trên để thị trường quyết định giá trị thông qua đấu giá.

Để công khai, tránh tiêu cực, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ quy định đấu giá biển số xe theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, chúng tôi sẽ ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá độc lập có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến. Cục CSGT chỉ làm nhiệm vụ quản lý và giám sát quá trình thực hiện. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ nộp vào ngân sách, một phần khác dùng vào chi phí thực hiện đấu giá.

Dau gia bien so xe anh 2

Kho số sẽ được chia thành 5 nhóm để đấu giá. Ảnh minh họa: Vũ Hoàng.

Về quy trình thực hiện, các phòng CSGT sẽ đưa lên hệ thống và thông báo cho người dân biết kho số để lựa chọn, đấu giá. Đặc biệt, người dân vẫn có thể tham gia đấu giá biển số khi chưa có xe. Biển số sau đấu giá sẽ có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản bao gồm: Quyền sử dụng, quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

Tôi ví dụ trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội dự kiến đăng ký 50.000 xe thì bắt đầu từ 1/12/2020, công an thành phố sẽ công khai có từng đó biển số, người dân có sẽ đăng ký đấu giá biển mình muốn. Tiếp đó, công an sẽ “chốt” để tổ chức đấu giá, những biển không có ai chọn sẽ dùng làm kho số để bấm ngẫu nhiên.

- Quy định chưa có xe vẫn được đấu giá biển số sẽ được thực hiện ra sao thưa ông? Liệu việc này có gây ra tình trạng đầu cơ biển số đẹp?

- Chúng tôi đã phối hợp với nhiều chuyên gia, luật sư và các nhà nghiên cứu kinh tế. Tất cả đều cho rằng biển số khác với số điện thoại hay tài sản bất động sản. Nó chỉ có giá trị khi gắn vào một chiếc xe nhất định.

Trong hướng dẫn thực thi, chúng tôi đang nghiên cứu sẽ quy định thêm về thời gian. Ví dụ như khi người dân chưa có xe, họ vẫn có thể đăng ký đấu giá biển. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá họ phải đăng ký biển số đó với một phương tiện nhất định sau 3-5 ngày.

Ngoài ra, nếu chủ của biển số muốn chuyển giao biển số thông qua các hợp đồng dân sự sẽ phải thông qua cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu bán cao hơn giá trúng đấu giá ban đầu thì phải nộp thuế cho phần chênh lệch đó.

- Theo quy định mới, người dân được phép định đoạt biển số thông qua việc bán, cho hoặc tặng. Bộ Công an sẽ quản lý ra sao để tránh tình trạng rối loạn trong quản lý?

- Cho, tặng ở đây không phải là người dân mang biển số đó đi cho, tặng hoặc bán lại là xong. Khi thực hiện, họ sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước rằng biển số này sẽ gắn với chủ mới và phương tiện mới. Không phải tôi có biển số này, hôm nay tôi thích thì gắn xe A, ngày mai lại gắn ở xe B. Như vậy là không được.

Nếu trường hợp người dân mua bán, cho, tặng không thông qua cơ quan chức năng, họ sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm khi phương tiện đó gây tai nạn hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tới đây, với những hành vi như trên thì chủ phương tiện cũng sẽ bị xử phạt rất nặng.

Dau gia bien so xe anh 3

Quá trình định đoạt biển số, chủ sở hữu phải thông qua cơ quan chức năng. Ảnh: H.Q.

CSGT là lực lượng duy nhất dừng xe xử lý vi phạm

- Bên cạnh nội dung liên quan đến đấu giá biển số, dư luận cũng rất quan tâm việc dự luật mới quy định CSGT là lực lượng duy nhất được phép xử lý vi phạm giao thông trên đường. Với việc phân quyền như vậy, Bộ Công an có trách nhiệm như thế nào về tình hình vi phạm cũng như tai nạn giao thông?

- Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ GTVT để nghiên cứu các chính sách có liên quan. Trong đó, tính chịu trách nhiệm là nội dung hàng đầu trong quá trình chúng tôi soạn thảo.

Dự luật mới đã quy định CSGT là lực lượng duy nhất được phép dừng xe, xử lý vi phạm trên đường. Thanh tra giao thông sẽ không được dừng phương tiện để xử lý như hiện nay. Chúng tôi đánh giá nội dung này mang tính thống nhất, từ đó sẽ quy được trách nhiệm về một đầu mối.

Theo thống kê, trên 90% số vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện. Do vậy, có thể thấy nguyên nhân liên quan đến con người chiếm đại đa số các vụ TNGT trong 3 nhóm nguyên nhân chính gồm: Con người, hạ tầng và phương tiện.

Việc quản lý con người ở đây cũng gắn với quản lý hành vi để đảm bảo quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm chính trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tránh tình trạng như hiện nay, không có cơ quan chịu trách nhiệm chính về an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện.

- Khi CSGT là lực lượng duy nhất được dừng xe xử lý vi phạm, nhiều người băn khoăn về cơ chế giám sát và phòng, chống tiêu cực. Giải pháp cho vấn đề này là gì và Bộ Công an có nghĩ đến việc thay đổi hình thức xử lý để CSGT không còn phải tranh luận, chứng minh dù người tham gia giao thông vi phạm rõ ràng?

- Chúng tôi đang xây dựng đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Đây là một phần của nội dung về ứng dụng công nghệ trong tuần tra, xử lý vi phạm nhằm tránh tiêu cực và hình ảnh không đẹp về cảnh sát trong quá trình xử phạt.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng coi đây là một trong những nội dung rất quan trọng để thích ứng với sự phát triển thời đại số.

Đề án hướng tới việc tất cả lỗi vi phạm giao thông sẽ có hệ thống camera giám sát ghi lại làm chứng cứ điện tử, giảm CSGT làm việc trực tiếp trên đường. Khi được thực thi, lực lượng CSGT chỉ có nhiệm vụ chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn và xử lý các lỗi không thể phát hiện bằng camera như vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải trọng...

Dau gia bien so xe anh 4

Theo dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, CSGT là lực lượng duy nhất dừng xe xử lý vi phạm. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngoài ra, đề án cũng sẽ có quy định về trang bị đồng bộ camera, định vị cho cảnh sát để ghi lại toàn bộ quá trình tuần lưu. Dữ liệu ghi lại sẽ được truyền về trung tâm chỉ huy giao thông. Trước mắt, việc đẩy mạnh ứng dụng camera sẽ tập trung vào những tuyến trọng điểm, đặc biệt là trên quốc lộ 1 và hoàn chỉnh hệ thống camera nội đô ở Hà Nội và TP.HCM. Việc xử phạt qua camera sẽ bao gồm cả ôtô và xe máy.

Trong bản dự thảo mới nhất được Bộ Công an trình Quốc hội cũng quy định trung tâm chỉ huy sẽ do Bộ Công an quản lý và vận hành. Từ đó, lãnh đạo bộ có thể nắm bắt toàn bộ nội dung, quá trình tuần tra xử lý vi phạm của tất cả các đơn vị địa phương.

- Hiện nay, có một nguyên tắc khá phổ biến khi xử lý tai nạn là xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ khiến nhiều người bức xúc. Dự luật này quy định cụ thể ra sao để giải quyết tình trạng trên theo đúng nguyên tắc "lấy con người làm trung tâm" mà Bộ Công an kỳ vọng?

- Trước đây, khi tai nạn xảy ra thì các bên thường có sự trao đổi với nhau để đề nghị một thỏa thuận. Thì nay, luật đã quy định rất rõ phải xác định được nguyên nhân và mức độ thiệt hại thì cơ quan chức năng mới làm việc, lập biên bản với các bên liên quan để phân định rõ ràng. Khi không xác định rõ nguyên nhân của tai nạn sẽ không cho 2 bên ngồi hòa giải trước cơ quan công an.

Trách nhiệm của cơ quan công an là phải xác định rõ lỗi và mức độ hậu quả thì mới giải quyết. Vì vậy, chắc chắn khi tai nạn xảy ra mọi người phải cùng cộng tác để xác định nguyên nhân là gì, điều kiện ra sao và mức độ hậu quả rồi mới tính tới mức độ đền bù theo quy định. Không có chuyện chưa xác định được nguyên nhân, hậu quả đã nóng lòng phải bồi thường cho nhau, từ đó chấm dứt tư duy xe to đền xe nhỏ.

Đồng thời, việc điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông còn phải làm rõ các nhóm nguyên nhân gồm: Con người, cơ sở hạ tầng giao thông hay do phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc các yếu tố bất ngờ. Từ đó, làm căn cứ quy rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan, chấm dứt hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết hậu quả tai nạn giao thông.

110 camera giám sát vi phạm dọc cao tốc Hà Nội - Lào Cai Hình ảnh phương tiện vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai được truyền về trung tâm điều khiển và thiết bị cầm tay của CSGT trực chốt.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm