Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT: Dạy trẻ lớp 1 đọc thông viết thạo càng nhanh càng tốt

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho rằng nhận định của phụ huynh về chương trình Tiếng Việt 1 nặng là chưa có cơ sở và chưa đúng thời điểm.

Chiều 30/9, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2020, bàn luận nhiều vấn đề "nóng" của ngành, trong đó có chương trình Tiếng Việt 1.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, thông tin gần đây, một số diễn đàn đăng tải thông tin phụ huynh nói về chương trình lớp 1 nặng sau một tháng học. Hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức từ giáo viên, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này.

chuong trinh tieng viet 1 anh 1

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Q.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định chương trình lớp 1 có sự điều chỉnh ở chỗ "trẻ cố gắng đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt", để có điều kiện chọn những môn khác.

Với Tiếng Việt 1, nội dung kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành. Thời lượng của môn học này được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết. Thời lượng của môn Toán giảm 70 tiết.

“Có lẽ phụ huynh có con học hai chương trình so sánh số tiết học Tiếng Việt, nghĩ rằng môn học nặng”, ông Tài nói.

Ông Thái Văn Tài thông tin chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai, có chuẩn đầu ra, khung thời lượng năm học.

Chương trình lớp 1 có 9 môn học. Tiếng Việt 1 có 5 bộ sách, được thiết kế theo những cách khác nhau. Về chuẩn đầu ra, chương trình Tiếng Việt 1 yêu cầu học sinh đọc và viết được bao nhiêu từ sau một phút.

chuong trinh tieng viet 1 anh 2

Bộ GD&ĐT cho rằng phụ huynh đánh giá chương trình 1 nặng là chưa có cơ sở và chưa đúng thời điểm. Ảnh minh họa: V.H.

Khung chương trình đã được hội đồng quốc gia thẩm định, thử nghiệm, lấy ý kiến. Vì vậy, những nhận định chương trình nặng chưa có căn cứ xác đáng, chưa đúng thời điểm, có thể do phụ huynh bị tâm lý khi con vào lớp 1.

Cũng theo ông Tài, thực tế kiểm tra, dự giờ chuyên môn của Bộ GD&ĐT tại các cơ sở giáo dục cho thấy trường học đã có những hành lang pháp lý thể hiện sự linh hoạt, tự chủ trong chuyên môn của giáo viên.

Giáo viên cần có đường hướng, triển khai, phân tích chương trình, sách giáo khoa, thiết kế kế hoạch xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, phù hợp từng đối tượng học sinh. Kế hoạch của mỗi trường khác nhau, phù hợp đặc trưng riêng, điều này được giáo viên và nhà trường ủng hộ.

Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh, nếu có đầy đủ căn cứ khoa học, đánh giá nhiều mặt về việc này.

“Nếu có bất cập, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh. Đây là tính linh hoạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Tài nói.

Trước đó, trao đổi với Zing, nhiều ý kiến cho rằng chương trình Tiếng Việt 1 nặng, khiến trẻ mệt mỏi, giáo viên áp lực.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, nêu ý kiến: “Chương trình lớp 1 mới thực hiện được một tháng, dư luận cần có góc nhìn khách quan. Học sinh được học thời lượng nhiều hơn trong khi lượng kiến thức nhẹ hơn. Tôi lấy ví dụ, cùng khối lượng kiến thức, trẻ học trong 3 giờ sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn học 2 giờ”.

Vì sao giáo viên vất vả dạy trẻ học Tiếng Việt 1?

Giáo viên cho rằng chương trình mới đang xây dựng trên nền tảng học sinh đã nhận biết chữ cái. Do đó, nếu vẫn cấm dạy chữ trước, cô và trò đều vất vả để theo kịp chương trình.

Phụ huynh bế tắc khi dạy con học Tiếng Việt lớp 1

Nhiều phụ huynh than chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới nặng nề. Nếu không ép con học, trẻ sẽ thụt lùi so với bạn bè.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm