Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT lý giải bằng chính quy tương đương tại chức

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết dự kiến không còn hai loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là chính quy và vừa học vừa làm.

Thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học mới.

Theo đó, dự thảo ghi: "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Điều đó đồng nghĩa hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức sẽ không còn ghi trên văn bằng".

Nhiều chuyên gia nhận định không thể cào bằng chất lượng giữa hai hình thức đào tạo này. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, điều 36, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học gồm mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; nội dung đào tạo, phương pháp đánh giá đối với mỗi môn học và ngành học, trình độ đào tạo. Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.

khong phan biet bang tai chuc va chinh quy anh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiến Tuấn. 

Theo điều 37, cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên… với điều kiện cơ sở giáo dục được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý .

Theo điều 54, trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Như vậy, luật hiện hành đã quy định từ chương trình đào tạo (bao gồm cả chuẩn đầu ra) đến điều kiện dạy - học, chuẩn giảng viên… của hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều như nhau.

Hai hình thức này chỉ khác nhau ở khâu tổ chức đào tạo, để phù hợp điều kiện, nhu cầu học tập khác nhau của người học.

Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam đã ban hành Khung trình độ quốc gia thống nhất quy định khối lượng học tập tối thiểu, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người tốt nghiệp mỗi trình độ đào tạo.

Vì vậy, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo trong xu hướng gia tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu của mọi người học tham gia, luật sửa đổi dự kiến quy định:

“Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo các hình thức đào tạo tập trung, đào tạo không tập trung. Cụm từ đào tạo tập trung hoặc không tập trung với hàm ý là hai hình thức chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo. Còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá... đến chuẩn đầu ra đều phải được xây dựng và thực hiện đúng như hình thức tập trung".

Vì vậy, dự kiến sẽ không còn hai loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng vừa học vừa làm nữa. Điều này phù hợp thông lệ chung trên thế giới.

Dự thảo quy định này cũng hướng đến việc yêu cầu các trường đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn để người học được xã hội đánh giá bình đẳng như nhau khi theo học đại học với các hình thức đào tạo khác nhau.

Các cơ sở đào tạo thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng cấp ra là phải đạt chuẩn chất lượng.

Ý kiến trái chiều về bằng chính quy tương đương tại chức Theo quan điểm của nhiều người, bằng chính quy và tại chức vẫn có khoảng cách xa về tuyển sinh đầu vào và chất lượng đào tạo.

Trả lời trên Lao Động, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn, khi chất lượng không như nhau chưa thể cấp một loại văn bằng.

Theo TS Khuyến, việc cần nhất là siết chặt chất lượng đào tạo. Nếu quy định bằng chính quy và tại chức như nhau, trong khi chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

Không phân biệt bằng ĐH chính quy - tại chức: Đừng cào bằng chất lượng

Nhiều ý kiến cho rằng việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức chỉ nên được áp dụng khi các chương trình đào tạo được kiểm định, đánh giá chất lượng một cách công khai.


Quyên Quyên

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm