- Thời gian qua, nhiều phụ huynh phản ánh vấn đề lạm thu tại một số trường. Năm nay, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo gì về vấn đề thu chi đầu năm?
- Thu chi đầu năm học là công việc của các trường và trách nhiệm chỉ đạo, giám sát của địa phương. Tuy nhiên, đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện vấn đề này.
Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2015-2016 các cấp từ mầm non lên THPT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện thu, chi theo đúng các quy định của Nhà nước, không để trình trạng lạm thu đầu năm học.
Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như áo quần đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu học sinh..., các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp.
Đối với những khoản đóng góp cho nhà trường để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống..., yêu cầu nhà trường phải trao đổi và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù đắp chi phí.
Các trường vận động phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình theo đúng qui định của Luật Bảo hiểm y tế; Cần giải thích rõ nội dung và tính chất bắt buộc của Bảo hiểm y tế để phụ huynh không hiểu lầm khi mua các loại bảo hiểm thương mại.
Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại Thông tư số 55/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ Học sinh.
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiền Phong. |
Các trường tuyệt đối không tổ chức thu của phụ huynh học sinh để chi cho các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Khuyến khích đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường. Việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp này phải tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng qui định của pháp luật; không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
- Báo chí phản ánh, học sinh lớp 1 trường tiểu học Võ Thị Sáu (TPHCM) phải đóng 3 triệu đồng cho quỹ phụ huynh, 400.000đ quỹ trường. Tiền quỹ của lớp lên đến 150 triệu đồng. Những khoản thu này có được phép?
- Giải quyết những việc như thế này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Thông tư số 55/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định việc thu, chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do cha mẹ học sinh ủng hộ tự nguyện và các khoản tài trợ hợp pháp khác.
Việc chi tiêu phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh. Bộ không quy định việc thu quỹ phụ huynh và quỹ trường.
Thông tư này cũng quy định rất rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản không phục vụ cho các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như đã nêu ở trên. Đối với các khoản thu lớn như báo chí phản ánh nói trên, cần phải được cơ quan quản lý giáo dục địa phương kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
- Nhiều khoản thu được gán mác tự nguyện, nhưng nếu phụ huynh không đóng, học sinh sẽ "lãnh đủ", như vụ 17 học sinh ở Mê Linh, Hà Nội bị chuyển vào một lớp vì gia đình không đồng ý đóng tiền ngoại khóa hay một học sinh ở trường tiểu học Đức La, Hà Tĩnh bị đuổi học vì mẹ không có tiền đóng bán trú?
- Nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh thì các trường này đã thực hiện không đúng chủ trương, chính sách của ngành giáo dục đã đưa ra. Bộ GD&ĐT yêu cầu các cấp quản lý giáo dục địa phương phải xem xét và có hướng xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.- Một vấn đề nữa mà dư luận đang quan tâm là hiện nhiều trường chưa trả lại tiền bảo hiểm y tế thu cả năm của học sinh. Bộ GD&ĐT có hướng xử lý như thế nào về việc này?
Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể cho vấn đề này tại Công văn số 4660/BGDĐT-CTHSSV ngày 10/9/2015 về việc thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội tại địa phương tổ chức thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên 6 tháng một lần; tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học.
Tuy nhiên, nếu được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh thì các trường vẫn có thể thu tiền bảo hiểm y tế cho cả năm. Do đó, các trường sẽ tùy theo tình hình để xử lý cụ thể.