Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT phản hồi việc chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non

Ngày 3/3, Bộ GD&ĐT phản hồi về việc điều chuyển giáo viên dôi dư từ bậc phổ thông xuống dạy mầm non, khiến dư luận lo ngại thời gian qua.

Trước đó, một số địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư (chỉ được bồi dưỡng trong thời gian) ngắn xuống dạy bậc học mầm non. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu chấm dứt việc này.

chuyen giao vien xuong day mam non anh 1
Việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non gây nhiều lo ngại. Ảnh minh họa: Báo Đồng Nai.

Theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do tuyển dụng chưa hợp lý.

Việc tăng cường đội ngũ giáo viên mầm non cho các địa phương có nhiều giải pháp, trong đó có thể đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm bậc phổ thông.

Bộ GD&ĐT giao cho ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp các trường sư phạm khác nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non, báo cáo bộ trước khi triển khai.

Bộ này cũng nhấn mạnh chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định giáo dục. Mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất.

Do vậy, bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển sinh những người không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của giáo viên bậc học mầm non.

Quá trình đào tạo phải được tổ chức trực tiếp theo hướng tăng thời lượng thực hành và kiểm soát chặt chẽ đầu ra.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non để đảm bảo người học sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục trẻ.

Trước đó, trả lời VTV, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thông tin bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên, bao gồm năng khiếu nghệ thuật như mỹ thuật, hát nhạc, kể chuyện.

Ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, đảm bảo điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể đảm bảo chuẩn đầu ra cho giáo viên mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo.

"Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng hai cho giáo viên cùng công tác kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã thực hiện cam kết với xã hội nhằm có đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non", Thứ trưởng Nghĩa nói.

> Chủ đề: Trẻ mầm non bị bạo hành

Đại diện Bộ khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Đây là giải pháp tình thế phải đưa ra để giải quyết hậu quả từ việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.

Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, với hơn 2.000 người. Tỉnh này cũng thiếu gần 2.200 giáo viên mầm non và đã bị "tuýt còi" do tự ý chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non mà chỉ đào tạo lại trong vài tuần.

Thứ trưởng GD&ĐT nói về công tác đào tạo giáo viên Thứ trưởng GD&ĐT nói về công tác đào tạo giáo viên phổ thông được điều chuyển xuống dạy mầm non.

Bộ GD&ĐT trả lời việc chuyển giáo viên xuống dạy mầm non

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc chuyển giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế.


Nguyễn Sương

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm