Nguyên nhân được xác định là số lượng cuộc thi dành cho các giáo viên và học sinh quá nhiều, gây chồng chéo, áp lực. Một số cuộc thi thậm chí còn không nhận được sự đồng tình của xã hội.
Kết quả của các cuộc thi tổ chức không đúng quy định sẽ không được sử dụng để xét thi đua, xét tuyển hay làm căn cứ tuyển thẳng.
Để khắc phục, Bộ GD&ĐT chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức. Bộ đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.
Đối với các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh tại địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh.
Hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí. Bộ khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia.
Đối với các kỳ thi quốc tế, nếu sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố tự cử thí sinh tham dự, Bộ GD&ĐT không xác nhận lại thành tích của giáo viên và học sinh. Từ năm học 2018-2019, các trường hợp này cũng không được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp.
Sở GD&ĐT tại các tỉnh phải hoàn thành việc rà soát và báo cáo lại các cuộc thi tiếp tục được tổ chức tại địa phương về bộ trước ngày 31/5.
Nhiều cuộc thi hiện nay đang gây áp lực cho giáo viên và học sinh. Ảnh cắt từ clip. |
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết việc tinh giảm các cuộc thi để tránh lãng phí cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Ông Thành nhận định rằng: "Các cuộc thi được tổ chức không phải kiểm tra kiến thức một cách thông thường, bởi những kiến thức đó đã được kiểm tra trong nhà trường. Cuộc thi nếu được tổ chức phải tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tiễn. Như vậy, học sinh mới có thể phát triển được kỹ năng, hình thành năng lực theo mục tiêu giáo dục".
Từ tháng 12/2016, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở rà soát việc tổ chức các cuộc thi đang triển khai tại địa phương. Kết quả cho thấy có quá nhiều cuộc thi chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên và học sinh.