Bộ yêu cầu các trường cần đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại công văn gửi Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiểu học cần đảm bảo sĩ số 35 học sinh một lớp như quy định tại Điều lệ trường tiểu học.
Khi nghe tin Bộ GD&ĐT yêu cầu lớp tiểu học giới hạn sĩ số 35 học sinh, cô Lê Thảo (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) nói rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đáng lo.
Cô giáo lý giải tín hiệu đáng mừng là việc giảm sĩ số có thể tạo cho trẻ môi trường học tập thoải mái, được quan tâm sát sao hơn.
Tuy nhiên, điều đáng lo là liệu kế hoạch này Bộ GD&ĐT cùng các Sở GD&ĐT có thể thực hiện được hay không, khi nhiều năm nay, các trường tiểu học ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM luôn rơi vào tình trạng quá tải học sinh.
Khó tìm được lớp ở nội thành có sĩ số 35
Những năm gần đây, quận Hà Đông luôn là điểm nóng tuyển sinh của Hà Nội. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Nguyễn Xuân (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết năm nay, con trai chị lên lớp 4. Những năm vừa qua, lớp của con đều có sĩ số 44 học sinh/lớp.
Năm học mới, con số này có thể sẽ không thay đổi. Với chị Xuân, sĩ số như vậy vẫn là ít bởi nhiều trường ở nội thành Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp. Có nơi, mỗi lớp phải xếp đến 50 học sinh.
“Tìm được lớp tiểu học ở nội thành Hà Nội có sĩ số 35 em là rất khó”, chị Xuân nhận định.
Nhiều khu vực ở thành phố lớp như Hà Nội, TP.HCM bị quá tải học sinh. Ảnh minh họa: NS. |
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), những năm trước, quận chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học.
Như Khu đô thị Thanh Hà, phân tuyến tuyển sinh thuộc huyện Thanh Oai nhưng do không có trường học, trẻ “tràn” sang quận Hà Đông. Kế hoạch nêu rằng phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 em/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn học sinh.
Không riêng quận Hà Đông, ở những điểm nóng như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, nhiều lớp học cũng có tình trạng quá tải.
Thậm chí, ở khu vực ngoại thành Hà Nội, cô Nguyễn Thị Lan Khanh (giáo viên một trường tiểu học) cho biết tùy từng khóa, các lớp 3 do cô chủ nhiệm có sĩ số dao động 40-44 học sinh. Năm học mới, sĩ số lớp mới cũng lên đến 40 em. Ở khối lớp 4 cùng trường, toàn bộ 5 lớp đều có sĩ số trên 40.
Cô Lê Thảo cũng lấy ví dụ về trường cô đang công tác, dù ở vùng ven Hà Nội, sĩ số một lớp vẫn dao động ở mức 42-52 học sinh. Lớp đông nhất cô Thảo từng dạy là lớp 2, gồm 50 học sinh.
Thu gọn quy mô lớp kiểu gì?
Theo cô Thảo, lớp đông, phòng học nhỏ, giáo viên rất chật vật để dạy và quản lý học sinh. Thời gian tiết học lại quá ngắn, giờ ra chơi cũng hạn chế, giáo viên rất khó khăn trong việc “kèm” sát từng em nên đôi khi sẽ rơi vào tình trạng một số em tiếp thu kém sẽ bị tụt lại so với bạn bè.
“Một lớp rút về 35 học sinh thì tốt, nhưng với tình trạng học sinh thành phố lớn đông như hiện tại thì tôi không biết chúng ta có triển khai được không. Nếu triển khai, các thành phố sẽ phải xây thêm lớp, trường, tuyển thêm giáo viên, như vậy cũng rất mất thời gian và tốn kém”, cô Thảo nói.
Giáo viên một trường tiểu học tại quận Hà Đông cho rằng khó khăn nhất vẫn là học sinh lớp 1. Thời lượng tiết học quy định ở bậc tiểu học là 35 phút/tiết. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó, giáo viên vừa phải ổn định trật tự lớp, đồng thời thực hiện các công tác giảng dạy khiến cho việc duy trì nề nếp và nắm bắt từng học sinh rất khó khăn.
Không những vậy, theo cô giáo này, khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng, việc sĩ số lớp quá đông sẽ khó đảm bảo được chất lượng giáo dục cũng như mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh.
Đồng quan điểm, cô Khanh cho viết dù sĩ số lớp cô chủ nhiệm không căng thẳng như khu vực nội thành, việc trên 40 học sinh/lớp cũng khiến giáo viên vất vả hơn trong việc quản lý lớp. Khối lượng công việc của giáo viên cũng tăng, từ xây dựng hoạt động lớp, nhận xét, đánh giá học sinh…
Cô giáo cho rằng quy định mỗi lớp 35 học sinh nếu thực hiện được sẽ giúp "giảm tải" áp lực đứng lớp cho giáo viên. Tuy nhiên, con số này có thể thực hiện với những vùng nông thôn, vùng núi bởi dân số thưa, học sinh ít. Với các thành phố lớn hay các vùng đông dân cư, yêu cầu này là khó khả quan.
Chị Nguyễn Xuân cũng đồng tình với quan điểm này. Nữ phụ huynh cho rằng mục tiêu này ở nội thành các thành phố lớn là khó thực hiện bởi tâm lý phụ huynh đều muốn cho con mình theo học ở những nơi có điều kiện giảng dạy tốt nhất. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng lại chưa đồng bộ, quỹ đất để xây thêm trường học còn nan giải…
Nhiều vấn đề nan giải nếu thu nhỏ quy mô lớp học. Ảnh minh họa: NS. |
35 học sinh/lớp là mục tiêu
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, 35 học sinh/lớp là điều mong muốn của các cấp lãnh đạo cũng như của nhiều trường, nhiều thầy cô. Không chỉ Hà Nội, mọi địa phương đều phấn đấu để đạt mục tiêu này. Nhưng thực tế, để làm được rất khó do quỹ đất Hà Nội có hạn, dân cư càng ngày càng tăng, các quận cũng đang cố gắng giảm sĩ số tối đa nhưng khó.
“Để làm được điều này, chúng tôi cũng đề ra các giải pháp như tiếp tục chuyển đổi mục đích quỹ đất cho giáo dục, dành ngân sách để xây thêm trường, đơn nguyên, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển để tháo gỡ áp lực sĩ số cho trường công", bà Hằng cho hay.
Bà Hằng cũng thông tin năm học tới, hầu hết trường tiểu học tại quận Hà Đông đã giảm sĩ số xuống dưới 50 học sinh/lớp, lớp 1 có sĩ số trung bình các lớp là 42 em/lớp. Lý do sĩ số tiểu học “hạ nhiệt" so với các năm trước là số lượng học sinh tăng năm nay thấp hơn so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, quận Hà Đông có một trường THCS Hà Đông xây mới đi vào hoạt động, 7 trường khác được xây thêm phòng học trên nền trường cũ... góp phần giảm áp lực sĩ số. Tuy nhiên, để đạt con số lý tưởng 35 em/lớp vẫn là mục tiêu.
Đồng quan điểm với bà Hằng, một cán bộ ngành giáo dục tại TP.HCM nói rằng điều này rất khó thực hiện vì thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải học sinh.
Trong hơn 10 năm làm việc cho ngành giáo dục, vị cán bộ này chưa bao giờ thấy trường công ở TP.HCM có sĩ số dưới 35 học sinh/lớp, nhất là tại các trường tiểu học. Ngoại trừ các lớp tiên tiến, hội nhập quốc tế theo chương trình của UBND TP được chủ trương duy trì sĩ số không quá 35 em/lớp, các lớp khác của trường công lập luôn có sĩ số cao hơn.
Tại TP.HCM, ở các khu vực vùng ven, ngoại thành, trường tiểu học rất đông học sinh, thậm chí xảy ra tình trạng quá tải cục bộ do đông dân nhưng thiếu lớp, thiếu trường. Các trường ở vùng nội thành có thể ghi nhận mức giảm, nhưng không đáng kể.
“Nếu thực hiện chủ trương 35 học sinh/lớp, các trường nội thành có thể thắt chặt số lượng học sinh, nhưng để xuống được con số 35 thì vẫn là bài toán khó, cần nhiều thời gian mới có thể giải được”, vị cán bộ này nêu quan điểm.
Ngoài ra, không ít người lo ngại việc yêu cầu sĩ số 35 em/lớp sẽ tăng áp lực cạnh tranh để có suất vào trường công khi số lượng tuyển sinh giảm.
Từ góc độ người làm quản lý giao dục, bà Phạm Thị Lệ Hằng không đồng ý với quan điểm này.
Theo bà, Bộ GD&ĐT đưa ra sĩ số 35 học sinh/lớp để các cơ sở giáo dục hướng tới, các cấp chính quyền cùng vào cuộc để đạt được mục tiêu, chứ không phải để các em phải cạnh tranh căng thẳng.
“Các em đều có cơ hội học tập ngang nhau. Nếu sĩ số vượt quá 35, các trường đều cố gắng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em", bà Hằng nhấn mạnh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.