Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bố Son Heung-min là 'cha hổ' điển hình ở Hàn Quốc

"Son Heung-min chưa phải là cầu thủ đẳng cấp thế giới", ông Son Woong-jung luôn nói như vậy mỗi khi con trai đạt được dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp.

bo son heung min anh 1

Khi tiền đạo sinh năm 1992 ghi bàn thắng quan trọng vào lưới Đức ở vòng bảng World Cup 2018, qua đó loại nhà đương kim vô địch của giải đấu, trong mắt bố, anh vẫn còn nhiều thiếu sót.

4 năm sau, Son Heung-min trở thành cầu thủ bóng đá châu Á đầu tiên giành được giải thưởng Chiếc giày vàng Premier League và được trao tặng Huân chương Cheongnyong, huân chương thể thao cao quý nhất của Hàn Quốc, mọi thứ không có gì thay đổi đối với ông Woong-jung.

"Heung-min cần cố gắng và chăm chỉ luyện tập hơn nữa. Nó cần phải trở thành trụ cột của những CLB đẳng cấp hàng đầu thế giới. Hiện tại, nó chưa có được điều đó".

Phát biểu của ông Woong-jung bị truyền thông phương Tây chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng cha của Son đã quá hà khắc với con trai của mình.

Tuy nhiên, số khác lại bênh vực và nhận định chính cách giáo dục khắt khe của cha đã giúp Son có được thành tựu như ngày hôm nay.

Theo The Korea Times, ông Woong-jung là "cha mẹ hổ" hay mẫu phụ huynh châu Á điển hình. "Cha mẹ hổ" là những người giáo dục con cái bằng sự nghiêm khắc, sẵn sàng la mắng hay sử dụng đòn roi để thúc đẩy con cái đạt được các mục tiêu học tập, sự nghiệp, cuộc sống.

Những ông bố, bà mẹ nổi tiếng

Ông Woong-jung, 60 tuổi, là cựu cầu thủ bóng đá. Ông giã từ sự nghiệp sân cỏ năm 28 tuổi do chấn thương.

Ông nói mình là một cầu thủ "tầm thường" nhưng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Sau này, ông đào tạo con trai dựa trên chính những kinh nghiệm đó.

Cha Son không ngại thừa nhận việc sử dụng đòn roi để dạy dỗ con trai. "Tôi đánh con rất nhiều và đôi khi nó cần thiết. Tôi biết người châu Âu không hiểu điều này", ông từng chia sẻ.

Khi lớn lên, bất cứ lúc nào Heung-min mang về một danh hiệu hay giải thưởng, ông Woong-jung đều vứt bỏ những danh hiệu đó. "Vì tôi sợ con sẽ quên những điều cơ bản, điều khiến nó chơi bóng ngay từ đầu", ông Woong-jung nói.

Sự tận tụy và cả nghiêm khắc của vị phụ huynh 60 tuổi này không còn xa lạ gì với cha mẹ Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao.

bo son heung min anh 2

Pak Se Ri nói rằng cha cô đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp thể thao của mình. Ảnh: golfchannel.

Trong sự nghiệp của Pak Se Ri, tay golf trẻ nhất và đầu tiên của Hàn được vinh danh trên World Golf Hall of Fame (Đại sảnh Danh vọng Golf Thế giới) năm 2007, cũng luôn có sự hiện diện của cha cô, ông Pak Joon-chul.

Theo cuộc phỏng vấn năm 1998 với tờ The New York Times, ông Joon-chul đã bắt Se Ri tập luyện "tất cả những ngày cô không đến trường, bất kể thời tiết nắng nóng hay lạnh cóng. "Đôi khi, trong thời tiết lạnh giá, băng tuyết đọng lại trên tóc khi cô ấy luyện tập".

Thậm chí có giai thoại về việc ông Joon-chul đã để con gái ở một mình trong nghĩa địa nhằm "rèn luyện lòng dũng cảm cho con". Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Joon-chul nói rằng câu chuyện đã bị phóng đại trong nhiều năm.

Một ngôi sao thể thao Hàn Quốc khác, vận động viên trượt băng nghệ thuật Kim Yuna, cũng được cho thành công nhờ sự hà khắc của mẹ.

DongA Ilbo cho biết trong hành trình chinh phục Giải vô địch trượt băng nghệ thuật trẻ em thế giới năm 2006 của Kim Yuna, mẹ cô, bà Park Mee-hee, đã theo sát hỗ trợ và đóng vai trò không thể thiếu.

Hình mẫu của phụ huynh Hàn Quốc

Theo The New York Times, những câu chuyện về các ông bố, bà mẹ của những ngôi sao thể thao như Son Heung-min, Kim Yuna và Pak Se Ri đã truyền cảm hứng cho những bậc phụ huynh khác ở Hàn Quốc.

"Nghe có vẻ cực đoan nhưng người Hàn Quốc quan niệm việc sinh ra một đứa trẻ tài giỏi cũng là một tài năng. Những lời kể về sự tận tâm của cha mẹ đằng sau các vận động viên và nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng của Hàn Quốc đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người khác noi theo".

Tại xứ kim chi, ông Son Woong-jung được gọi là "soccer dad". Nhiều người nói rằng ông đã dành cả cuộc đời để hỗ trợ sự nghiệp của con trai và mong muốn mình cũng sẽ trở thành người giống như vậy.

Đó là lý do họ gửi con cái mình đến Học viện bóng đá Son, lò đạo tạo ở Chuncheon do ông Woong-jung điều hành.

Bà Jung Hee-suk đã không ngần ngại chuyển nhà đến Chuncheon để con trai có thể ghi danh vào học viện. Bà tin rằng mình đang giao con cho huấn luyện viên tốt nhất Hàn Quốc.

"Ông Son có rất nhiều bí quyết và hiểu bóng đá hơn bất kỳ ai", người mẹ nói.

Giống như nhiều phụ huynh khác, bà Jung ngày ngày đến sân để xem con trai luyện tập. Từ băng ghế khán giả, đôi lúc, bà nghe rõ tiếng hét của ông Woong-jung.

"Nhanh hơn, nhanh hơn nữa", vị huấn luyện viên thúc giục các cầu thủ đang tập rê bóng giữa tiết trời nắng nóng.

Ông Woong-jung gọi lớn tên cầu thủ mỗi khi cần la mắng hay cổ vũ ai đó trên sân. "Tôi thậm chí la mắng cả các bậc phụ huynh", ông Woong-jung nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP vào năm 2018.

Bà Jung cảm thấy điều đó hoàn toàn bình thường. Con trai bà xem Son Heung-min là thần tượng và mong muốn trở thành một cầu thủ giống như vậy. Để điều đó trở thành sự thật, những ông bố bà mẹ như bà nói rằng mình cần xem ông Son là hình mẫu để hướng đến.

Sau chiến thắng vẻ vang của ngôi sao trượt băng Kim Yuna tại Thế vận hội Vancouver 2010, cơn sốt trượt băng nghệ thuật đã sôi sục khắp cả nước. Những đứa trẻ ngưỡng mộ Kim nhưng quan trọng hơn, các bậc cha mẹ đều hy vọng sẽ nuôi dưỡng "Kim Yuna tiếp theo".

bo son heung min anh 3

Kim Yuna giành huy chương vàng trượt băng nghệ thuật tại Olympic Vancouver 2010. Ảnh: Olympics.

Sau khi tay golf Pak Se Ri giành chiến thắng ấn tượng tại LPGA US Women Open năm 1998, nhiều thông tin lan truyền rằng chính sự chăm sóc, huấn luyện kỹ càng của cha Pak đã dẫn đến thành công của cô.

Hàng loạt phụ huynh Hàn Quốc nhanh chóng đăng ký cho con đi học golf vào thời điểm đó và đã tạo ra cả một thế hệ golf thủ Hàn Quốc được gọi là "Pak Se Ri kids" sau này, bao gồm cả Shin Ji-yai, một trong những tay golf nữ hàng đầu thế giới.

Cha của Shin cũng được biết đến với sự ủng hộ nhiệt tình, giáo dục nghiêm khắc dành cho con gái.

"Hiện tượng này thể hiện mong muốn của các bậc cha mẹ đối với sự thành công của con cái họ, điều dễ thấy ở Hàn Quốc. Khi con cái thành công, cha mẹ cũng có xu hướng cảm thấy rằng họ đạt được thành tựu. Thành công ở đây có nghĩa là niềm vinh dự cho gia đình", Chung Hee-joon, giáo sư khoa thể thao và giải trí tại Đại học Dong-A, nói.

Còn theo Won Young-shin, giáo sư nghiên cứu về thể thao và giải trí tại Đại học Yonsei, sự nhiệt tình quá mức của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái, vốn phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, vừa có tác động tích cực lẫn tiêu cực.

Giáo sư Won cho rằng sự ủng hộ và cống hiến của cha mẹ là yếu tố quan trọng để các vận động viên thành công. "Điều này còn đúng ở các lĩnh vực khác ngoài thể thao. Ví dụ khi một đứa trẻ có năng khiếu về âm nhạc, chẳng hạn như chơi violin, chúng không thể phát triển thành một nghệ sĩ điêu luyện nếu không có sự hỗ trợ về kinh tế và tình cảm của cha mẹ", giáo sư nói.

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đã biến sự hỗ trợ của mình trở nên quá mức và cực đoan.

"Ở Hàn Quốc, chúng ta không còn xa lạ gì với "gireogi appa" hay "goose dad" - những người đàn ông ở lại Hàn Quốc và gửi vợ con ra nước ngoài vì lợi ích giáo dục con cái trong môi trường phương Tây. Đó là một hiện tượng tiêu cực, thể hiện nỗi ám ảnh về thứ hạng của người Hàn Quốc", giáo sư Won nhận định.

Quan điểm ‘trẻ con biết gì đâu’ gây tranh cãi

Khi con cháu đùa nghịch, ném đá vào xe người đi đường, người thân ra sức bênh vực thay vì quở trách trẻ. Sự việc gây xôn xao và làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm