Ngày 7/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội nghị về vị trí môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Qua thảo luận, Bộ GD&ĐT và Hội khoa học Lịch sử đưa ra một số điểm thống nhất cơ bản.
Theo đó, bậc tiểu học, Lịch sử sẽ tích hợp cùng một số môn khoa học khác, chủ yếu giáo dục Lịch sử qua câu chuyện, tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh.
Bậc THCS, có hai phương án cần tiếp tục suy nghĩ. Phương án một là Lịch sử và Địa lý trở thành hai môn độc lập, viết thêm phần tích hợp hai môn này để học sinh phát triển khả năng tổng hợp. Như vậy, học sinh sẽ cần 3 cuốn sách.
Phương án hai là xây dựng Lịch sử, Địa lý tích hợp gồm phân môn Lịch sử, phân môn Địa lý, các chuyên đề liên môn. Học sinh chỉ có một cuốn sách.
Ở bậc THPT, Lịch sử là môn bắt buộc, không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh thi môn này vào đại học sẽ chọn Lịch sử nâng cao. Những người không theo Lịch sử sẽ học kiến thức cơ bản. Điều này đảm bảo tất cả học sinh vẫn học Lịch sử nhưng ở cấp độ khác nhau.
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gây tranh cãi. Nếu ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn Khoa học xã hội theo dạng bắt buộc thì ở cấp THPT, môn này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).
Nhiều ý kiến của các nhà sử học, giáo viên dạy Lịch sử không đồng tình với việc này. Chiều 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật và các đơn vị liên quan về Dự thảo.
Ngày 15/11, tại Hội thảo khoa học về môn Lịch sử, giới chuyên môn chỉ trích Bộ GD&ĐT đang “khai tử môn Lịch sử” khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại phiên chất vấn sáng 16/11 của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT trả lời việc tích hợp môn Lịch sử, cũng như đổi mới giáo dục. Ông cho rằng, việc tích hợp môn Lịch sử là sự xáo trộn tận tâm can.
Người đứng đầu ngành giáo dục trả lời, sẽ cân nhắc kỹ, nếu không phù hợp sẽ không tích hợp môn Lịch sử.
Ngày 17/11, Bộ GD&ĐT cho biết, Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm về việc tích hợp môn học này.
Trong nghị quyết ban hành chiều 27/11, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới.
|