Tại Hội nghị Giám đốc sở GD&ĐT diễn ra mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các địa phương chú ý việc khen thưởng học sinh cuối năm học.
Theo bộ trưởng, việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, vì sự tiến bộ của học sinh, tránh lạm dụng giấy khen.
Bức ảnh "cả lớp nhận giấy khen, mình em lẻ loi" khiến nhiều người trăn trở về tình trạng lạm dụng giấy khen trong giáo dục. |
Đến hẹn lại lên, câu chuyện "ai cũng được giấy khen" một lần nữa được xới lên dịp cuối năm học khi cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận về ảnh chưa rõ nguồn gốc. Đó là hình ảnh nam sinh duy nhất trong lớp không có giấy khen, "bơ vơ" giữa các bạn đang "giơ cao thành tích".
Nhiều ý kiến cho rằng giấy khen bây giờ không con ý nghĩa như trước nên không có động lực thúc đẩy trẻ.
Việc phát giấy khen tràn lan xảy ra nhiều năm nay, đặc biệt khiến dư luận quan tâm khi cuối năm học, phụ huynh đua nhau "khoe" giấy khen của con lên mạng.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - cho rằng nếu bức ảnh là thật, giáo viên đã làm sai hướng dẫn và sai quan điểm của bộ trong đánh giá học sinh.
Ông nói thêm việc lạm dụng giấy khen hay khen không đúng thực tế, đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo để có điều chỉnh. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thừa nhận việc khen không đúng thực chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục.
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, thậm chí đánh giá "giấy khen được phát như tờ rơi quảng cáo". Tình trạng này khiến học sinh không được nhận giấy khen mới là trường hợp đặc biệt. Và ngẫu nhiên, học sinh ấy trở thành cá biệt.
"Giấy khen cho học sinh tiểu học ngày nay rõ ràng đã mất hết ý nghĩa. Vì thế, nhận giấy khen, trẻ không vui. Nhưng không nhận được giấy khen, trẻ khổ sở, tổn thương", bà Hương chia sẻ.
Việc lạm dụng giấy khen cũng khiến cô Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội), lo ngại. Giấy khen có giá trị riêng của nó nhưng khi trở thành “đại trà”, sẽ không còn ý nghĩa trong việc khuyến khích hay tạo động lực cho trẻ học tập, rèn luyện.
Cô cho rằng giấy khen bị lạm dụng, trở thành áp lực, đòi hỏi từ chính cha mẹ học sinh với thầy cô, nó đã trở nên méo mó, gây ra cái nhìn phiến diện trong dư luận.