Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT: Ưu tiên chính sách tiền lương cho giáo viên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói dự thảo Luật Nhà giáo sẽ ưu tiên chính sách lương giáo viên, đồng thời cho biết việc thực hiện hóa chính sách lương cho thầy cô còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi và tiếp thu ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo tại Phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Moet.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ xung quanh quá trình xây dựng, những điểm đáng chú ý và mong mỏi đối với Luật Nhà giáo - dự án luật dự kiến khi ban hành sẽ khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của nhà giáo.

Quyền và nghĩa vụ của giáo viên được quy định rõ

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của đổi mới giáo dục phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.

Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân mỗi thầy cô, môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo (tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ, phát triển…) đóng vai trò quan trọng.

Xuất phát từ nhận thức đó, trong thời gian dài vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng một luật điều chỉnh riêng về nhà giáo nhằm đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới về cách tiếp cận, chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn, chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học.

Theo bộ trưởng, đối tượng, phạm vi áp dụng của dự án Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng cơ sở pháp lý cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đảm bảo sự bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Đây cũng là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Nhà giáo đặt trước yêu cầu phát triển không ngừng, được bảo vệ thông qua quyền của nhà giáo và những điều cá nhân, tổ chức không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Dự án luật cũng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn theo yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Một điểm đáng chú ý khác là dự án luật yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cũng được quy định làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu thực tế của ngành giáo dục.

ngay nha giao viet nam anh 1

Bộ GD&ĐT nói sẽ ưu tiên chính sách tiền lương cho giáo viên. Ảnh: Moet.

Nhiều chính sách thu hút giáo viên

Ngoài những nội dung trên, chính sách tiền lương của nhà giáo cũng được bố trí ưu tiên.

Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Các giáo viên cấp mầm non; người công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt; giáo viên thực hiện giáo dục hòa nhập; thầy cô là người dân tộc thiểu số và ở một số ngành nghề đặc thù sẽ được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

Đặc biệt, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cũng trong dự thảo luật nhà giáo, các giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác, ví dụ như đảm bảo nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, Tết...

"Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Chính sách tiền lương còn gặp nhiều khó khăn

Nói thêm về chính sách tiền lương, đại diện của Bộ GD&ĐT cho biết trong suốt thời gian vừa qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản, ngành giáo dục vẫn chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách này cho nhà giáo bởi vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đây là việc cần thiết và cần tính toán.

Trong thời gian vừa rồi, dù chưa thực hiện được nhiều, song với hai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện một bước, đem lại cho các thầy cô nhiều sự động viên.

Hiện, lực lượng nhà giáo chiếm số lượng đông đảo, với trên một triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Do đó, dù thực sự quan tâm, nhưng việc hiện thực hóa sự quan tâm này vẫn cần phải cân đối nguồn ngân sách Nhà nước có thể chi trả.

"Đất nước ta đến nay cũng mới thoát nghèo chưa lâu, nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước còn rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo. Cho nên, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng, để thực hiện được, chúng ta sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực", bộ trưởng thông tin.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Thầy giáo 30 năm gắn bó '3 cùng' với học sinh dân tộc Chứt

Gần 30 năm qua, thầy giáo Hoàng Xuân Dục, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa đã giảng dạy, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh dân tộc Chứt.

Thái An

Bạn có thể quan tâm