Sáng 16/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác giải ngân, quản lý đầu tư, tài chính, tài sản năm 2021 đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ.
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Tú Khánh cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2020 của Bộ GD&ĐT thuộc nhóm bình quân của các bộ, ngành.
Về kế hoạch giải ngân năm 2021 và kế hoạch trung hạn 2021-2025, bộ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, dự án triển khai kế hoạch, nội dung chỉ đạo tập trung vào một số hạn chế, tồn tại trong năm 2019, 2020, quán triệt các nội dung về công tác lập kế hoạch, chỉ đạo cam kết giải ngân theo từng quý, biện pháp chế tài...
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được đề xuất, tuy nhiên, bộ đề nghị các đơn vị đẩy mạnh giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, huy động xã hội hóa, gia tăng các nguồn lực khác, tránh trông chờ để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Vụ Kế hoạch - Tài chính mong muốn các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chia sẻ với người dân trong việc không tăng học phí trong năm nay, có lộ trình tăng học phí hợp lý, cân đối hài hoà thu - chi, giải trình rõ ràng, minh bạch với xã hội, đồng thời nghiên cứu thêm chính sách ưu đãi cho đối tượng khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: MOET. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn về giáo dục và đào tạo, một trong những công tác mà bộ phải làm tốt là tài chính, quản lý đầu tư công, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất.
Công tác này cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn, tổng thể của ngành để có phương hướng, kế hoạch và giải pháp phù hợp.
Trong kế hoạch từ 5 đến 10 năm tới, nếu muốn nền giáo dục và đào tạo thực sự phát triển, chúng ta cần phải có những chuyển biến quan trọng trong chính hoạt động quản lý, điều hành và triển khai mảng công tác này.
Bộ trưởng khẳng định phải gia tăng tổng đầu tư cho giáo dục bằng nhiều cách mới có thể làm nhiều việc cùng một lúc trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, học phí có hạn.
Điều quan trọng, kế hoạch đầu tư tài chính phải trúng, đúng mục tiêu và có trọng tâm, trọng điểm.
“Đầu tư làm sao để gia tăng giá trị sử dụng, tính lan tỏa. Chúng ta đang giải bài toán hóc búa và cần hết sức cân nhắc, xem xét”, bộ trưởng lưu ý.
Về các nội dung cụ thể của hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần cân nhắc đến tốc độ giải ngân, triển khai giải ngân đúng pháp luật, quy định của ngành, phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa phương, cơ sở giáo dục, tránh rủi ro đáng tiếc. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và các yếu tố công khai, minh bạch là định hướng trong những năm tới.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng về gia tăng phân cấp, phân quyền trong bộ máy tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết lãnh đạo bộ sẽ chỉ đạo rà soát quy chế hoạt động, tăng cường ủy quyền, phân cấp theo đúng quy định, trên tinh thần “việc đáng làm, cần làm, có thể làm là phải thực hiện”.
Điều này vừa là đổi mới trong quản lý, vừa tháo gỡ vướng mắc. Lãnh đạo cơ sở được gắn trách nhiệm cao nhất là động lực để xử lý các vấn đề nhanh hơn, chất lượng hơn.
Nhìn chung, việc giải ngân của ngành đạt mức độ trung bình, có một vài nhóm khá nhưng chưa đồng đều. Với những vấn đề chung còn tồn tại, vướng mắc, bộ trưởng chỉ đạo cần có các chuyên đề cụ thể để bàn giải pháp xử lý, khai thông.