Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 sáng 2/8.
"Các địa phương phải tăng tốc độ tiêm vaccine lên. Chậm quá! Có tỉnh để vaccine tại kho trung ương, không đến lấy, không tiêm. Có nơi thì tiêm quá thận trọng, chỉ tiêm ở bệnh viện thì sao tiêm hết được", ông Long nêu.
Để chấn chỉnh, Bộ trưởng cho biết ông vừa ký văn bản đề nghị tất cả địa phương tăng tốc độ tiêm chủng, yêu cầu triển khai tiêm tại các điểm, không giới hạn số lượng mũi mỗi buổi. Nếu thiếu nhà, các địa phương có thể dựng bạt, miễn là đảm bảo khoảng cách.
Thời gian chờ đợi sau tiêm cũng sẽ do địa phương quyết định, không cứng nhắc để phù hợp tình hình thực tế.
TP.HCM tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên đang sống trên địa bàn. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
"Phải tiêm nhanh nhất có thể. Tháng 8-9, vaccine về còn ít nhưng từ tháng 10-12, riêng Pfizer chúng ta có thêm 47-50 triệu liều, chưa kể lượng lớn vaccine khác. Đây là điều chúng tôi thực sự lo lắng", Bộ trưởng Y tế thông tin.
Ông Long đánh giá Bộ Y tế đã tổ chức nhiều buổi tập huấn tiêm chủng nhưng đến nay, các địa phương vẫn còn tiêm dè dặt. "Có cán bộ y tế còn sợ tiêm, vậy làm sao tiêm chiến dịch được", ông Long lo lắng.
Để đẩy nhanh tốc độ, chúng ta cần phải huy động tổng lực, sàng lọc trước cho người đến tiêm, nhanh chóng rút kinh nghiệm triển khai các đợt tiếp. Thậm chí, các vùng phong tỏa càng phải tiêm nhanh.
"Không nên lựa chọn vaccine, có loại nào thì tiêm loại đó. Tất cả vaccine Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng, không phải vaccine này tiêm cho nhóm này, vaccine kia tiêm cho nhóm kia", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Về việc tiêm kết hợp hai loại vaccine, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 Pfizer. Tuy nhiên, Moderna chưa được áp dụng biện pháp này do nhà tài trợ, cơ quan cung ứng không đồng ý. Vaccine Sinopharm, Sputnik V cũng chưa có hướng dẫn tiêm kết hợp.
Để chiến dịch tiêm chủng hoàn tất đúng kế hoạch, ông Long cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương rà lại hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine từ 2 đến 8 độ C.
"Nhiều địa phương không đủ tủ để chứa vaccine. Chúng tôi đã cung cấp số vaccine dự kiến từ giờ đến cuối năm để các tỉnh tính toán, chuẩn bị kho lạnh, xem cần nâng cấp hay không để có phương án, tránh tình trạng vaccine về không có chỗ trữ", Bộ trưởng nói.
Theo ông Long, trong chiến dịch tiêm chủng, Trung ương đã hỗ trợ nhiều loại vật tư y tế như bơm kim tiêm, hộp đựng…, địa phương chỉ còn lo bông băng gạc, cồn.
Sắp tới, các bệnh viện tuyến trung ương chỉ tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 để dồn nhân lực cho phòng, chống dịch tại những tỉnh phía Nam.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 1/8, nước ta có 209.156 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 6.415.219, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.