Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 700 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay đây sẽ là chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến nay.
"Ngày 8/3, chúng ta sẽ có mũi tiêm đầu tiên. Trong đợt này, chúng tôi không thể phân phối vaccine cho tất cả 63 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho 13 tỉnh, thành có dịch. Hải Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước", Bộ trưởng nói.
Với số lượng vaccine còn hạn chế, Bộ Y tế sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng là tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21 của Chính phủ như đơn vị điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những người làm công tác xét nghiệm, truy vết…
Thận trọng trước khi tiêm vaccine Covid-19
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay quan điểm của Bộ Y tế là cố gắng đưa vaccine Covid-19 vào tiêm chủng cho người dân nhanh nhất. Song song việc nhập khẩu vaccine cho người dân, việc đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine nội địa cũng rất quan trọng.
Theo Bộ trưởng Long, vaccine Covid-19 là loại ra đời nhanh nhất và được đưa vào sử dụng sớm nhất trong lịch sử sản xuất vaccine của nhân loại. Do đó, thời gian chưa đủ để theo dõi tiến trình sử dụng lâm sàng, đánh giá, khẳng định về hiệu quả. Đồng thời mức độ bảo vệ của vaccine giữa các nhà sản xuất cũng có sự khác nhau nhất định.
Với các loại vaccine Covid-19 hiện nay, chúng ta không thể khẳng định chúng an toàn 100%. Những phản ứng bất lợi sau tiêm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, do vaccine Covid-19 được nhập khẩn cấp về nước, cách thức triển khai của chúng ra phải thận trọng. Lý do là dù vaccine được nhập về từ 24/2, Việt Nam phải chờ chứng nhận từ Hàn Quốc và trải qua nhiều quá trình chứng minh hiệu quả lâm sàng mới có thể triển khai tiêm.
Trong thời gian vừa rồi, Bộ Y tế tích cực triển khai kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo an toàn nhất. Ông Long cho hay việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam có nhiều khác biệt với quốc tế. Điểm khác biệt đầu tiên là Việt Nam sẽ triển khai khám sàng lọc trước khi tiêm để đảm bảo an toàn. Việc này có thể khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Việc sàng lọc này sẽ được thiết kế tối giản trên phần mềm.
Điểm khác biệt thứ 2 là quá trình tiêm chủng được lưu trữ trên hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân. Cơ sở y tế có trách nhiệm tải phần mềm, người dân tải app hồ sơ sức khỏe. Khi đó, người dân có thể giám sát chủ động về sức khỏe, theo dõi phản ứng bất lợi sau khi tiêm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp sáng 6/3. Ảnh: Phạm Thắng. |
Lợi ích của vaccine Covid-19 mang lại rõ ràng
Theo ông Long, việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Ví dụ, vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Tương tự, Moderna cũng không bảo vệ 100%. Đặc biệt, trong quá trình tiêm vaccine Covid-19, những yếu tố không mong muốn có thể xảy ra.
"Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta từ chối vaccine. Vì lợi ích của vaccine Covid-19 mang lại rất rõ ràng. Người mắc bệnh nếu được tiêm vaccine thì nhẹ hơn và hạn chế nguy cơ tử vong", ông nói.
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh song song tiêm chủng, chúng ta phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, vaccine phải kết hợp với 5K. Ông Long nhấn mạnh công tác truyền thông để người dân có niềm tin với vaccine. Có như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 mới thành công được.
Mục tiêu đảm bảo vaccine tiêm cho toàn dân
Bộ trưởng cũng khẳng định trong năm nay, Bộ Y tế sẽ cố gắng đảm bảo tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Việt Nam đang tích cực liên hệ COVAX để sớm đưa thêm vaccine về tiêm cho người dân. Tháng 3-5, số lượng vaccine sẽ tăng.
“Trong tháng 3 này, lượng vaccine về chưa nhiều. Người dân cần hết sức bình tĩnh. Chúng ta đã kiểm tra chất lượng và mức độ an toàn đối với vaccine. Do đó, các lô vaccine sau nhập về, thời gian triển khai sẽ nhanh hơn nhiều”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, trưa 24/2, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam và đến nay có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine này, khẳng định đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
117.600 liều vaccine ngừa Covid-19 đang được bảo quản tại kho lạnh của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và Công ty AstraZeneca, được vận chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất trưa 24/2.
Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, với phác đồ tiêm hai liều tiêu chuẩn cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Trước đó, ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 với số lượng vaccine khoảng 150 triệu liều, được mua theo cơ chế đặc biệt. Theo Nghị quyết số 21 của Chính Phủ, 9 nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 885 người mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (693 bệnh nhân), Quảng Ninh (60), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2).
Hiện Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm: TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp.