Ngày 18/7, Bộ Tư pháp đã có trả lời kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp về điều 292 Bộ luật hình sự 2015, tội Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, đặc biệt là quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 292: “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”.
Kiến nghị của động đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng, quy định này có phạm vi điều chỉnh rộng, không khuyến khích, thậm chí là “rào cản” đối với sức sáng tạo của họ.
Điều 292 Bộ luật hình sự 2015. Ảnh: Nguyễn Duyên. |
Về việc này, Bộ Tư pháp giải thích điều luật được bổ sung trên cơ sở đề xuất của các cơ quan thực thi pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Mục đích của quy định nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh lành mạnh, trong đó có hoạt động kinh doanh sử dụng mạng máy tính, mạng Internet đúng pháp luật, đồng thời răn đe, phòng ngừa các vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực kinh doanh.
Theo đó, Điều 292 quy định tội Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, để xử lý hành vi cung cấp trái phép trên mạng (không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được cấp phép) một trong các dịch vụ như: kinh doanh vàng trên tài khoản; sàn giao dịch thương mại điện tử; kinh doanh đa cấp; trung gian thanh toán; trò chơi điện tử trên mạng; các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 292 quy định: chỉ xử lý hình sự về tội này trong trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên. Nếu dưới mức này sẽ xử lý bằng các biện pháp khác.
Về nội dung kiến nghị của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đề nghị rà soát lại điểm e Khoản 1 Điều 292 “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở tham khảo của các Bộ, ngành, nhất là các cơ quan thực thi pháp luật để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Bộ Tư pháp sẽ có Công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ này nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, gửi kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.
Thời gian tới, bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp... trao đổi, thảo luận nội dung trên trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Hai ngày trước khi BLHS 2015 có hiệu lực, hôm 29/6 các đại biểu Quốc hội khoá 13 đã hoàn tất biểu quyết lùi thời hiệu áp dụng, do phát hiện Bộ luật này có khoảng 90 lỗi kỹ thuật. Theo Nghị quyết của Quốc hội khi thông qua Bộ luật này, thời hạn thi hành là 1/7/2016.
Cùng với việc lùi lại hạn thi BLHS 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng quyết định cho lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới.