Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bỏ việc ngân hàng để trở thành chuyên gia dọn dẹp, gấp quần áo

Từ một người thậm chí ghét gấp quần áo, chị Mạc Thị Nga trở thành chuyên gia tư vấn ngăn nắp được chứng nhận bởi “phù thủy dọn nhà” Marie Kondo.

Chị Mạc Thị Nga (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), còn được biết đến với biệt danh Nga Joydy, cũng là người đầu tiên ở Việt Nam nằm trong số 50 tư vấn viên trên thế giới đạt cấp độ Master - cấp độ cao nhất trong hệ thống KonMari.

Để có thể dành toàn bộ thời gian giúp các khách hàng dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, chị lựa chọn từ bỏ công việc tại ngân hàng.

Nhìn lại sau 2 năm, chị cảm thấy đó là một quyết định rất xứng đáng.

“Vốn dĩ, tôi bứt khỏi công việc ngân hàng vì muốn được chủ động thời gian hơn. Cơ duyên giúp tôi có một nghề mới thú vị và năng động hơn", chị nói.

Không chỉ mang lại đa dạng nguồn thu nhập trong cùng một công việc, nghề tư vấn viên dọn dẹp còn có sự linh hoạt, sáng tạo.

"Mỗi ngôi nhà là một thử thách khác nhau, không chỉ ở không gian mà cả tính cách, thói quen của chủ nhà”, chị chia sẻ.

Dọn dẹp để trị liệu tinh thần

Công việc của chị Nga khác so với các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa hiện có trên thị trường. Thay vì dọn dẹp, chị đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng tự tay chăm sóc không gian sống của họ.

Ngay cả những người đã biết cách sắp xếp nhà cửa ngăn nắp vẫn muốn sử dụng dịch vụ tư vấn.

“Họ muốn học thêm kiến thức, không chỉ để dọn nhà khoa học hơn mà còn muốn sắp xếp lại cuộc sống của họ. Có thể nói, công việc của tôi phần nào giống trị liệu tâm lý”.

Chị cho biết công việc của một tư vấn viên là hỗ trợ khách hàng “đào sâu” chính mình, giúp họ làm rõ các vấn đề còn cảm thấy mơ hồ về bản thân thông qua việc dọn dẹp.

Marie Kondo la ai anh 1

Quần áo là hạng mục sắp xếp đầu tiên mà chị Nga hướng dẫn khách hàng.

Sự dẫn dắt này không chỉ thể hiện qua các câu hỏi check-in cảm xúc, mà còn thúc đẩy khách hàng đưa ra đưa ra quyết định với món đồ của họ.

“Quá trình dọn dẹp giống như cách trị liệu thông qua đối thoại với chính mình. Sau 1-2 tháng thực hành, một người có thể hình thành thói quen lắng nghe cảm xúc bản thân nhờ liên tục hỏi rằng ‘Liệu món đồ này có thực sự khiến mình vui không?’”.

Điều này khác hoàn toàn với câu hỏi “Mình có nên vứt nó đi hay không?”. Theo chuyên gia, nếu cảm thấy bực bội khi buộc phải vứt bớt đồ đạc, sự khó chịu sẽ đeo bám quá trình dọn dẹp. Ngược lại, khi tập trung vào niềm vui, niềm vui sẽ lan tỏa.

Hầu hết khách hàng sẽ được thực hành sắp xếp quần áo đầu tiên trong số 5 hạng mục. Do có chức năng rất cơ bản, đây là loại đồ vật dễ đưa ra quyết định nhất. Trước hết, quần áo giúp con người che chắn và làm ấm cơ thể, sau đó mới bàn đến phong cách thời gian.

Đồ kỷ niệm, thứ khó quyết định nhất, là hạng mục dọn dẹp cuối cùng. Không ít người lựa chọn giữ lại toàn bộ kỷ vật, nhưng chuyên gia không khuyến khích điều này.

“Làm việc với đồ kỷ niệm là làm việc với quá khứ của mình. Nếu sắp xếp, dọn dẹp các ký ức tốt, bạn có thể biết được mình muốn gì trong tương lai”.

Tìm kiếm cân bằng trong cuộc sống

Tập khách hàng của chị Nga chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 35-45, hầu hết đã lập gia đình, có thu nhập tốt, sống ở thành phố và mong muốn tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và gia đình.

Marie Kondo la ai anh 2Marie Kondo la ai anh 3

Kết quả sắp xếp tủ quần áo cá nhân của một khách hàng.

Họ muốn giảm tải khối lượng việc nhà bằng cách sắp xếp không gian sống khoa học hơn, từ đó có thêm thời gian cá nhân.

Ngoài ra, khách hàng trẻ và độc thân chiếm tỷ lệ khoảng 10-15%.

Các khóa học diễn ra dưới cả 2 hình thức online và offline với nội dung tương tự nhau, bao gồm phiên tư vấn 1:1 về mục tiêu và quy trình thực hiện, hướng dẫn tổ chức sắp xếp dựa trên mong muốn về không gian ngôi nhà, cùng một số tài liệu và video hướng dẫn khác.

Trong khi khóa học online trị giá 5 triệu đồng/người diễn ra qua các cuộc gọi video, chị sẽ đến tận nhà khách hàng để “cầm tay chỉ việc” ở hình thức trực tiếp, với mức giá 1-1,5 triệu đồng/tiếng.

Đặc biệt, chị chỉ làm việc với người phụ trách chính các đầu việc trong nhà. Sau đó, người này tự xây dựng quy tắc riêng trong gia đình, và hướng dẫn các thành viên còn lại hoặc người giúp việc.

Trong quá trình dọn dẹp, chủ nhà sẽ thảo luận cùng tư vấn viên nhằm tìm ra phương án giúp xây dựng và hoàn thiện quy tắc gia đình, từ đó hướng dẫn các thành viên còn lại.

Marie Kondo la ai anh 4Marie Kondo la ai anh 5

Một khách hàng thực hiện sắp xếp lại căn bếp.

Tùy thuộc vào mật độ đồ đạc, trung bình mỗi khách hàng mất khoảng 5 ngày để hoàn thành quy trình tổ chức lại không gian sống. Hiện kỷ lục lâu nhất là một tháng do khách hàng bị hạn chế thời gian dọn dẹp.

“Thông thường, tôi sẽ yêu cầu khách hàng dành 8 tiếng/ngày để tập trung dọn dẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được. Hơn nữa, chúng tôi phải hoàn thành từng hạng mục một, không xen ngang hay bỏ dở”, chị chia sẻ.

Giải quyết bất hòa trong gia đình

Chị Nga lần đầu biết đến phương pháp dọn dẹp thông qua cuốn sách Nghệ thuật bài trí của người Nhật Bản.

Thời điểm đó, chị đang gặp những vấn đề gây bức bối ở chính ngôi nhà của mình. Dù thuê cả người giúp việc, chị vẫn không thể kiếm soát được sự bừa bộn trong nhà.

Chuyên gia cho biết chính điều này đã dẫn đến những bất ổn trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình. Vợ chồng thường xuyên bất hòa, chị cũng bất lực trong việc hướng dẫn con cách sống ngăn nắp.

Sau khi đọc sách, chị thực hành phương pháp trên toàn bộ không gian sinh hoạt. Chị chỉ giữ lại khoảng 50% đồ đạc và tạo dựng nề nếp sinh hoạt mới cho gia đình.

“Ngôi nhà trở nên thật gọn gàng và chúng tôi cảm thấy dễ dàng để duy trì sự ngăn nắp đó hơn rất nhiều”.

Chia sẻ với Zing, có 2 điều khiến chị Nga tự hào nhất sau khi thay đổi, đó là chồng chị chủ động hỗ trợ việc nhà và con cái chủ động quản lý cuộc sống hơn.

Marie Kondo la ai anh 6

Niềm vui, hạnh phúc sau khi giải quyết những khúc mắc giữa các mối quan hệ gia đình đã thúc đẩy chị Nga trở thành chuyên gia tư vấn sắp xếp.

Cách đây 2 năm, chị Nga vẫn quán xuyến toàn bộ việc nội trợ vì nghĩ rằng “đó là trách nhiệm của phụ nữ”.

Hơn nữa, chồng chị cũng không biết nên giúp vợ từ đâu. Nhưng khi đã giảm tải khối lượng công việc nhà bằng phương pháp mới, chị nhận ra chồng hoàn toàn có khả năng làm được.

Chị cũng trao cho các con quyền quyết định giữ lại hay cho đi đồ đạc của chúng. Hiện hai bé có thể tự quản lý tủ quần áo, giá sách và đồ chơi của mình.

“Với trật tự sắp xếp mới, tôi hay chồng đều có thể tự dọn toàn bộ căn nhà trong vòng 15-20 phút. Trước đó, dù tốn bao nhiêu thời gian, chúng tôi vẫn quay cuồng trong việc dọn dẹp”.

Đặc biệt, chị cảm thấy vui vẻ hơn trước. Sự tích cực này không chỉ hiện hữu trong quá trình dọn dẹp, mà còn tác động đến các mối quan hệ xung quanh.

“Bỗng tôi nảy ra một ý tưởng: nếu mình hạnh phúc như vậy, tại sao lại không giúp nhiều người có chung cảm giác đó?”, chị kể lại.

Sẵn sàng từ bỏ để thử thách

Chị Nga quyết định từ bỏ vị trí nhân viên ngân hàng để theo đuổi đam mê dọn dẹp vào năm 2020.

Tuy nhiên, thay vì vội vàng tìm khóa học cấp chứng chỉ, chị nhờ vả người thân và bạn bè để được thực hành dọn dẹp miễn phí tại ngôi nhà của họ. Qua đó, chị tự kiểm tra và đánh giá năng lực cá nhân xem liệu mình có thể theo đuổi công việc này không.

“Có khoảng cách lớn giữa việc tự sắp xếp không gian sống của mình và hướng dẫn người khác dọn dẹp ngôi nhà của họ. Lựa chọn để lại hay cho đi một món đồ còn tùy thuộc vào tính cách, sở thích và thói quen cá nhân mỗi người”.

Marie Kondo la ai anh 7

Chị Nga nằm trong số 50 tư vấn viên KonMari trên thế giới đạt cấp độ Master.

Đến khi cảm thấy mình có khả năng, chị Nga quyết định tham gia khóa học cấp chứng chỉ tư vấn viên vào tháng 7/2020, trùng thời điểm nhiều quốc gia giãn cách xã hội vì Covid-19.

Chị cho biết đây là một “điều may mắn”. Trước đó, các khóa học này chỉ diễn ra trực tiếp tại Anh hoặc Mỹ, cần khoản kinh phí rất lớn để theo học.

Không phải tư vấn viên nào tham gia khóa đào tạo cũng nhận được chứng chỉ.

Có nhiều lý do khiến nhiều người phải bỏ cuộc giữa chừng, bao gồm không thể truyền cảm hứng để khách hàng thay đổi, hoặc không có cách thuyết phục khách hàng thực hiện tất cả 5 danh mục dọn dẹp.

Trong khi đó, “kỳ thực tập” tốt nghiệp yêu cầu mỗi học viên như chị Nga tư vấn cho tối thiểu 2 người và ít nhất một khách hàng hoàn thành đủ 5 danh mục.

Marie Kondo la ai anh 8Marie Kondo la ai anh 9

Tủ quần áo sau khi được tư vấn và hướng dẫn dọn dẹp.

“Tôi tìm kiếm và tư vấn cho 2 khách hàng Việt Nam. Cả hai khách hàng đều hoàn thành đủ các danh mục yêu cầu”, chị kể lại.

Cho đến khi nhận chứng chỉ cấp Master vào tháng 1/2022, chị Nga vẫn tiếp tục hướng dẫn dọn dẹp nhà cửa cho nhiều người với mức chi phí thấp, chỉ đủ để di chuyển giữa các địa điểm.

Những lời khen và phản hồi tích cực từ các khách hàng chính là nguồn động lực của tư vấn viên trong quãng thời gian “không thu nhập”.

“Tôi cảm thấy đóng góp của mình không dừng ở mỗi việc dọn dẹp, mà còn có ý nghĩa và tác động sâu rộng tới đời sống của mọi người”.

Chia sẻ với Zing, chị hy vọng ngày càng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận phương pháp này, từ đó có thể biết cách tổ chức sắp xếp đối với nhà cửa cũng như đời sống cá nhân.

“Đây sẽ là thứ mọi người luôn cần đến bởi việc dọn dẹp gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Nó cũng giúp làm rõ hơn phong cách cá nhân của từng người. Khi bạn nhận thức rõ về bản thân, tìm được niềm vui và hạnh phúc cho mình, sự tích cực đó sẽ lan tỏa tới các mối quan hệ xung quanh, và rộng hơn là cả cộng đồng”, chị chia sẻ.

Chàng trai giúp sửa hàng chục xe máy trong mưa lớn ở Hà Nội

Trong 3 tiếng đồng hồ, Thành Quân sửa chữa được nhiều phương tiện chết máy. Anh mong muốn mọi người có thể về nhà một cách an toàn.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm