Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế chỉ đạo Đắk Nông nhanh chóng dập dịch bạch hầu

Bộ Y tế yêu cầu Đắk Nông khẩn trương cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, ngày 26/6, Bộ Y tế đã gửi Công văn đến UBND tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, bệnh bạch hầu.

Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Đắk Nông triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh.

Đồng thời, ngành y tế khẩn trương cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Trường hợp tiếp xúc gần, có nguy cơ phải tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng.

dich benh bach hau o Dak Nong anh 1

Cán bộ y tế tỉnh Đắk Nông xịt khử trùng lớp học của bệnh nhân mắc bạch hầu. Ảnh: BSCC.

Bộ Y tế nhấn mạnh ngành y tế Đắk Nông thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong.

Tổ chức tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch. Rà soát đối tượng chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ, nhanh chóng tiêm bổ sung, nhằm đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở TT&TT tăng cường truyền thông các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cho người dân.

Với kinh phí đảm bảo nhu cầu phòng chống dịch bệnh và tổ chức tiêm chủng, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó, một trẻ đã tử vong.

Hiện tại, một trường hợp 13 tuổi (dân tộc Mông, ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong) mắc bạch hầu biến chứng nặng, đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM theo dõi, điều trị.

Trước đó, bệnh nhi nhập viện vì sốt, ho, đau họng ngày thứ 4, chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây.

Bạch hầu là bệnh do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Trực khuẩn bạch hầu lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính. Khi vào cơ thể, trực khuẩn này khu trú ở khu vực họng, phát triển và sinh ra độc tố gây biến chứng nặng.

Biến chứng nặng nhất của bệnh bạch hầu là tim không hoạt động bình thường, viêm cơ tim dẫn đến ngừng tim, liệt các vùng trên cơ thể hay còn gọi biến chứng thần kinh (có thể liệt cơ vùng hầu họng, bệnh nhân không thở được). Đây là hai biến chứng dễ dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ngừng tiêm vắc xin cho trẻ? Nếu mọi người đều ngừng tiêm vắc xin, các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, bạch hầu, rubella... sẽ quay trở lại và lây lan khắp nơi.

Đưa thuốc từ Hà Nội vào TP.HCM để điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu

Ngoài 16 người tiếp xúc nam bệnh nhân tại cơ sở học tập, 42 nhân viên y tế tại Bệnh viện Quân y 175 đã được uống thuốc điều trị dự phòng bạch hầu.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm