Bảy tổ công tác sẽ hỗ trợ tăng cường cho 7 tỉnh khu vực miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Thành phần tham gia hỗ trợ, tăng cường đến 7 tỉnh đều là chuyên gia đến từ các cục/vụ và viện đầu ngành của Bộ Y tế.
Nhiệm vụ của các tổ này là đánh giá nguy cơ, tình hình dịch bệnh, khả năng đáp ứng của địa phương.
Đồng thời, cán bộ các tổ kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nhân viên y tế và người dân thực hiện xử lý môi trường; phòng, chống dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ; thu gom, xử lý xác xúc vật chết, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc-tơ gây bệnh tại khu vực ngập sâu sau khi nước rút.
Giếng khoan, giếng đào cần được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt phải khử trùng bằng chế phẩm được cấp giấy chứng nhận.
Hiện trường vụ sạt lở ở Phước Sơn, Quảng Nam. Ảnh: Quốc Kỷ. |
Ngoài ra, các tổ công tác tư vấn cho người dân về chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già.
Quyền bộ trưởng yêu cầu sau 5 ngày, các tổ phải có mặt tại 7 tỉnh để thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Long đề nghị sở y tế các tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với 7 tổ trưởng xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho y tế tuyến cơ sở khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh.
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký quyết định xuất cấp 50 cơ số thuốc phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cho Sở Y tế Quảng Nam.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm phối hợp Sở Y tế Quảng Nam khẩn trương giao nhận thuốc, hướng dẫn đơn vị tiếp nhận bảo quản, sử dụng theo quy định.
Sở Y tế Quảng Nam có trách nhiệm phân bố thuốc cho các đơn vị, đảm bảo sử dụng thuốc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu.