Sáng 16/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến kiểm tra công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế thiết lập trên địa bàn TP.HCM. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận đặc biệt chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM cùng tham gia.
Chạy đua với thời gian để tiếp nhận điều trị bệnh nhân
Tại Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (được thiết lập ở Bệnh viện dã chiến số 13), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác đã đến thăm khu điều hành bệnh nhân Covid-19 nặng.
Báo cáo với Bộ trưởng, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đến sáng 16/8, trung tâm đang điều trị cho 98 bệnh nhân Covid-19 nặng. Các y bác sĩ của bệnh viện cùng chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 nặng với kỹ thuật, chuyên môn và máy móc tốt nhất.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa hơn 300 y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ Hà Nội vào trung tâm này triển khai các hoạt động điều trị bệnh nhân. Cùng đó, bệnh viện cũng đưa hàng chục tấn trang thiết bị, phương tiện phòng hộ vào TP.HCM.
Trung tâm có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập, 200 giường bệnh nhân thở oxy còn 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ.
Trung tâm hồi sức tại Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, Bình Chánh) chính thức đưa hoạt động vào ngày 11/8. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sáng nay, các chuyên gia kỹ thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và nhiều công nhân điện đang nhanh chóng hoàn thiện thiết lập các trang thiết bị và giường bệnh của một block mới được nhà đầu tư bàn giao để có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân theo công suất thiết kế.
GS.TS Trần Bình Giang cũng cho biết một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm là oxy và thuốc tăng sức khỏe, kháng virus. Do đó, Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thiết lập bồn oxy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng Trung tâm đang nỗ lực tăng thêm oxy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều.
Tại trung tâm hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai thiết lập tại Bệnh viện dã chiến số 16, PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, đang phụ trách điều hành hoạt động của trung tâm cho biết 250 bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại đây. Trong đó, 50 bệnh nhân đang thở máy, 6 bệnh nhân lọc máu.
Ngoài ra, bệnh viện còn thành lập 1 nhóm y bác sĩ hỗ trợ các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của quận 7 và quận 8 (TP.HCM).
Chỉ sau 3 ngày tiếp nhận bệnh nhân, toàn bộ số giường hiện có của trung tâm hồi sức tại Bệnh viện Dã chiến số 13 đã kín. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bổ sung 50.000 lọ thuốc giãn cơ
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Y tế cũng đã đến kiểm tra tiến độ hoàn thiện các hạng mục phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 của Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế chịu trách nhiệm tại Bệnh viện dã chiến số 14.
Ông Long cho biết các bác sĩ đã vượt những khó khăn, thiếu thốn, phải xa gia đình vào làm nhiệm vụ đồng hành cùng thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Người đứng đầu ngành y tế mong các thầy thuốc tiếp tục nỗ lực hơn nữa để chăm sóc, điều trị để người bệnh nặng hồi phục và nhanh chóng ra viện, giảm tỷ lệ tử vong.
“Tuy nhiên, các nhân viên y tế phải nhớ tuân thủ tuyệt đối về các hướng dẫn chuyên môn, phòng hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị bệnh nhân. Bệnh nhân trông chờ vào chúng ta, lực lượng của chúng ta khoẻ thì mới chăm sóc, điều trị bệnh nhân tốt", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Trước những báo cáo về thiếu máy thở, thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc giãn cơ của các trung tâm, ngay tại “hiện trường” Bộ trưởng đã yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các vụ/cục của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc. “Làm sao để các thầy thuốc có vũ khí đánh giặc tốt nhất, người bệnh được điều trị nhanh nhất”, ông nói.
Chiều 16/8, 50.000 lọ thuốc giãn cơ đã được Bộ Y tế điều phối tới Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai.
Người đứng đầu ngành y tế rất quan tâm đến vấn đề oxy cho người bệnh. Do đó, tại buổi kiểm tra, ông Long đã yêu cầu các Trung tâm ICU phải luôn đảm bảo trữ lượng oxy, khí nén trong các bồn chứa.
Về đề xuất có thêm nguồn nhân lực chuyên môn, Bộ trưởng giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, phối hợp cùng các địa phương điều phối ngay nhân lực vào các trung tâm này.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính đến 18h ngày 15/8, TP.HCM ghi nhận 149.286 ca mắc Covid-19. Số lượng bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế là khoảng 33.149, trong đó có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 15/8, 282 trường hợp tử vong.
TP.HCM liên tục nâng năng lực điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Tầng 1 có 197 cơ sở, công suất đạt 42.807 giường. Tầng 2 có 10 cơ sở, công suất 24.900 giường. Tầng 3 có 26 cơ sở, công suất 26.950 giường. Tầng 4 có 15 cơ sở, công suất 4.924 giường và tầng 5 có 7 cơ sở, công suất 3.450 giường. F0 đang điều trị tại tầng 1 và tầng 3 chiếm số lượng đông nhất.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.